Chào mừng đến với Tử Bình diệu dụng.
Trang 2 của 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
Kết quả 11 đến 14 của 14
  1. #11
    Phụ Tá

    Ngày tham gia
    May 2012
    Bài viết
    1,079
    Làm thiện vì mình, công đức chỉ phân nữa. Không vì mình, được trọn vẹn

    Hơn nữa làm việc thiện mà lòng không mắc vào ý nghĩ làm thiện thì làm thiện ở đâu cũng đạt công đức trọn vẹn. Nếu lòng mắc vào ý nghĩ làm thiện thì dù suốt đời siêng năng làm thiện nhưng công đức chỉ được phân nữa mà thôi. Ví như giúp người bằng tiền: Nếu trong không thấy mình cho, ngoài không thấy người nhận, giữa không thấy giá trị đồng tiền, mới gọi là Tam-Luân-Thể-Không. Bố thí với tấm lòng thanh tịnh như vậy thì dù bố thí một phễu thóc cũng có thể trồng thành vô lượng phước đức. Dù bố thí một đồng tiền cũng có thể tiêu trừ được ngàn kiếp nghiệp tội. Nếu làm thiện mà ghi nhớ trong lòng, thì dù bố thí ngàn lượng vàng chăng nữa, phước đức vẫn không trọn vẹn. Đây cũng là một ví dụ về vơi và đầy.


    Lòng khởi động niệm, dù thân chưa làm, thiện ác đã tạo


    Thế nào là thiện lớn hay thiện nhỏ ? Xưa ông Vệ Trọng Đạt làm trong Hàn Lâm viện. Có một lần bị bắt xuống âm phủ. Diêm vương bảo thư ký đem hai cuốn sổ thiện và ác ra xem thiện ác ông này lúc còn sống trên dương gian thế nào ? Khi hai cuồn sổ đem đến, thấy những cuốn sổ ghi việc ác nhiều đến nổi chất đầy cả sân, còn việc thiện chỉ có một trang, cuốn lại nhỏ như que đũa. Diêm vương bảo đem để lên cân thì thấy trang giấy ghi việc thiện lại nặng hơn.

    Ông Trọng Đạt không hiểu, hỏi : « Năm nay tôi chưa đầy 40 tuổi lẽ nào tội lỗi nhiều đến thế » ?
    Diêm vương trả lời rằng : « Lòng nẩy lên một niệm không đúng đã là tội, đâu cần đợi đến ông thật sự đi phạm » ?

    Ông Trọng Đạt lại hỏi : « Trang giấy cuốn lại ghi việc thiện gì mà nặng đến như vậy ? »
    Diêm vương trả lời : « Vì có lần triều đình dự tính thực hiện một công trình lớn để tu sửa cầu đá ở Tam Sơn (1), ông dâng thư xin cản, vì thấy công trình này sẽ làm khổ cho dân. Trang giấy cuốn lại này chính là lá thư của ông ».

    Ông Trọng Đạt thưa : « Tuy tôi có dâng thư lên trên, nhưng triều đình không chấp thuận nên cũng như không, nhưng sao lại có tác dụng mạnh mẽ như thế » ?
    Diêm vương nói : « Tuy triều định không nghe, nhưng vì niệm thiện của ông chỉ nghĩ đến toàn dân, nên công đức được nhiều như vậy. Nếu triều đình chấp thuận thì sức mạnh việc thiện đó sẽ lớn đến cở nào ? » Cho nên niệm thiện chỉ nghĩ đến vì dân vì nước, tuy ít mà công đức nhiều. Còn nghĩ đến mình thì tuy nhiều mà ít.

    (1) Tam Sơn : tức thị trấn Phúc-Châu, tỉnh Phúc Kiến.


    Khó nhưng làm được mới là quý


    Thế nào là thiện khó và thiện dễ ? Những người trí thức ngày xưa đều nói : « Muốn chiến thắng lòng ích kỷ phải bắt tay từ nơi khó trước ». Đức Không tử bàn về nhân ái cũng nói : « Phải ra sức từ chỗ khó ». Như ở Giang Tây có hai vợ chồng nọ bị thiếu nợ. Quan toà xử phải bán vợ trả nợ. Lúc đó có vị giáo sư tên là Thư biết được như vậy bèn bỏ ra tiền lương dành dụm trong hai năm dạy học đem ra trả nợ dùm cho cặp vợ chồng đó để họ khỏi phải tan rã. Còn ở huyện Hàm Đan có người cầm vợ mượn tiền, nhưng cuối cùng không tiền trả nợ. Có ông cụ họ Trương biết được chuyện này, bỏ cả số tiền dành dụm trong 10 năm để giúp ông đó chuộc lại vợ. Tiền bạc dành dụm trong nhiều năm đem hết ra bố thí thật là khó. Nhưng hai ông kể trên đều nằm trong trường hợp khó nhưng vẫn làm được. Lại như ông cụ già họ Cận ở huyện Trấn Giang, tuổi đã cao mà không con nối dõi. Có người láng giềng nghèo đem đứa con gái còn trẻ cho ông cụ làm thiếp, ông cụ từ chối trả về vì không nỡ lòng tàn hỏng đời ngưởi con gái trẻ. Đó là chỗ khó mà vẫn ráng làm được. Vì khó làm mà vẫn làm được cho nên trời ban phước cũng khá nhiều. Những người giàu có quyền uy muốn làm công đức thật là dễ. Dễ mà không chịu làm là tự ruồng bỏ mình. Người nghèo làm phước rất khó. Khó mà vẫn làm được mới là quý.

  2. Cảm ơn bởi:


  3. #12
    Phụ Tá

    Ngày tham gia
    May 2012
    Bài viết
    1,079
    Mười điều làm thiện

    Tùy duyên giúp người có nhiều hình thức. Có thể tóm tắt thành mười loại như sau :


    1. Khiến người làm thiện không cần lời


    Thế nào là khiến người làm thiện ? Xưa, vua Thuấn thấy những người đánh cá ở ao Lôi đều tranh nhau chiếm chỗ sâu nhiều cá. Còn người già yếu đành chịu thua phải câu nơi nước cạn hay nước chảy xiết. Thuấn thấy tội nghiệp, bèn tham gia đánh cá. Nhưng khi thấy người nào dành chỗ thì ông im lặng không nói. Còn khi gặp ai nhường chỗ cho nhau thì ông hết lời khen ngợi và noi gương. Một năm sau, những người đánh cá đều bắt chước nhường chỗ cho nhau. Ôi, với trí thông minh tài giỏi của vua Thuấn, không lẽ không đủ lời để giáo hoá được họ sao ? Nhưng ngài vẫn chịu khó nghĩ ra cách lấy thân làm gương để khiến người khác làm thiện mà không cần nói lời nào, thật là tế nhị.

    Chúng ta sống trong thời mạt thế này, đừng lấy ưu điểm của mình mà chèn ép người khác, đừng lấy việc hay của mình đi so sánh với người khác, đừng lấy tài giỏi của mình đi làm khó dễ người khác. Đừng nên khoe lộ tài trí của mình, chỉ sử dụng lúc cần mà thôi. Khi thấy người khác làm lỗi nên bao dung che giấu, để họ vừa có dịp tự sửa chữa vừa e ngại không dám lộng hành. Nếu thấy người ta có chút ưu điểm đáng để noi theo hay làm được chút việc tốt đáng để kể ra, thì ta bèn bỏ cái của ta mà noi gương họ và tán dương cho mọi người biết. Hằng ngày, dù nói một lời nói hay làm một việc làm, đều nên xuất phát từ ý nghĩ lợi tha. Vì việc nên làm mà làm, đó mới là phong độ của thánh nhân, nhìn mọi việc đều là việc của chung vậy.


    2. Thánh phàm khác chỗ lòng kính yêu


    Thế nào là lòng kính yêu ? Xem bề ngoài Quân tử và tiểu nhân đều rất dễ lẫn lộn, vì tiểu nhân có thể giả dạng quân tử. Nhưng lòng quân tử và lòng tiểu nhân khác xa một trời một vực, một đằng là thiện, một đằng là ác như trắng và đen vậy. Cho nên người ta nói : « Quân tử và người phàm chỉ khác nhau tấm lòng mà thôi. Lòng quân tử chỉ gồm sự tôn kính và yêu thương ». Nói một cách tổng quát, tánh người có nhiệt tình, lạnh lùng, sang trọng, bẩn thỉu, khôn khéo, ngu dại, tài giỏi, hèn nhát … đủ hạng người, nhưng đều là anh em của ta cả, đều cùng một bản thể cả. Ai mà không đáng kính yêu ? Kính yêu mọi người tức là kinh yêu thánh hiền. Hiểu được ý hướng của mọi người là hiểu được ý hướng thánh hiền. Tại vì sao? Ý hướng của thánh hiền đều muốn mọi người an cư lạc nghiệp. Cho nên ta ở đâu cũng kính người thương người, làm cho mọi người an lạc hạnh phúc, là đã thực hiện dùm cho thánh hiền rồi đó.


    3. Nâng đỡ người thiện đến nơi chốn


    Thế nào là nâng đở người thiện ? Như ngọc ẩn trong đá, nếu biết gia công mài dũa ắt sẽ trở thành khuê (1) chương (2) quý giá. Nếu không thì giá trị của họ sẽ bị chôn vùi trong đống gạch. Con người cũng vậy. Khi thấy ai có chí hướng cao, có phẩm chất quý thì ta đều phải nâng đở người đó đến nơi đến chốn. Hoặc khích lệ họ, hoặc bao bọc họ. Nếu họ bị hàm oan thì phải binh vực họ, chia sẻ nỗi oan ức với họ. Cốt sao giúp cho họ trở nên thành tài hữu dụng mới thôi. Thông thường hạng người nào chỉ thích hạng người nấy. Trong xã hội, hạng người hiền thì ít còn kẻ ác thì nhiều. Cho nên người hiền rất khó sống trong giới phàm tục. Ngoài ra, tánh người hào kiệt thường ngang tàng không chịu khuất phục ai, cũng không chú trọng bề ngoài và chi tiết nhỏ, cho nên người thường không hiểu được và thường chỉ trích phê bình họ. Vì thế người làm việc thiện thường dễ thất bại và bị nói xấu. Chỉ có người lương thiện đạo đức mới có thể hiểu và nâng đở họ. Công đức ấy lớn lao vô cùng.

    (1) Khuê: Khuê là ngọc được điêu khắc mà thành ; hình dạng trên nhọn dưới vuông. Ngày xưa các vị vua thường tặng Khuê cho những công hầu bá tước hay những vị thần tử có công với vua. Đi gặp vua ở triều đình đều phải mang theo.
    (2) Chương : Khi khuê được cắt làm đôi gọi là chương. Dùng để thờ cúng.


    4. Khuyên người mê lầm phải khéo léo


    Thế nào là khuyên người trở về lương thiện ? Lòng người chẳng ai không lương thiện ? Nhưng khi con người say sưa bận rộn để theo đuổi danh lợi vật dục, thì rất dễ quên đi lương tâm mà sa đọa làm ác. Khi thấy như vậy ta nên khéo léo dìu dắt nhắc nhở lúc họ đang trong cơn mê lầm. Như đánh thức họ khi họ đang trong giấc mơ say. Như người chìm đắm trong vòng luẫn quẫn phiền não mà được kéo ra nơi mát mẽ tĩnh táo. Nếu làm được như vậy thì tạo ân huệ biết bao ? Hàn Dũ (1) từng nói: « Khuyên người bằng lời, được lợi tức thời. Viết sách khuyên người, được lợi ngàn đời ». Nếu so với "lấy thân làm gương" như vua Thuấn thì khuyên bằng lời hay bằng chữ tuy có hình thức nhưng nếu áp dụng đúng lúc thì thường đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ, không thể bỏ qua. Gặp người ngang bướng ta dùng thân làm gương, gặp người nhu nhược ta dùng lời khuyên bảo. Nếu khuyên bạn không khéo sẽ mất bạn, lúc đó ta phải tự trách mình đã làm sai chỗ nào rồi.

    (1) Hàn Dũ : Người đời Đường. Làm quan đến hai bộ Thị Lang là Lại Bộ và Hình Bộ,. khi chết được vua truy phong quan Lễ Bộ Thượng Thư. Vua còn phong một chữ « Văn ». Cho nên người sau này tôn xưng ông là Hàn Văn Công.


    5. Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, ra tay giúp ngay mới là quý


    Thế nào là cứu người nguy ngập ? Ai cũng có lúc tai ương hoạn nạn, tang gia bối rối. Nếu ta thấy có ai trong trường hợp đó thì coi nổi khổ của họ như là nổi khổ của mình mà nhanh chóng cứu giúp. Hoặc dùng lời biện minh cho họ những chuyện oan ức, hoặc dùng mọi cách để giúp họ thoát khỏi những thống khổ triền miên. Thôi Tử có nói: « Giúp đỡ nhiềt ít không cần biết, khi cần là ra tay giúp ngay là được rối ». Đó thực là lời nói của người đầy lòng nhân từ vậy.

  4. Cảm ơn bởi:


  5. #13
    Phụ Tá

    Ngày tham gia
    May 2012
    Bài viết
    1,079
    Mười điều làm thiện (tt)


    6. Xây dựng lợi chung, kêu gọi góp sức


    Thế nào là xây dựng lợi chung ? Từ thôn xóm đến thành thị, việc gì có ích lợi chung đều phải làm. Như xây dựng cầu cống, dẫn thuỷ nhập điền, như xây đập phòng lụt, sửa chữa cầu đường tiện việc đi lại, hay làm phúc lợi xã hội, giúp người đói khổ. Tùy duyên kêu gọi mọi người, góp sức xây dựng. Không ngại gian nan, không sợ ganh ghét.


    7. Tập làm thiện, trước tiên tập bố thí


    Thế nào là bỏ tiền làm thiện ? Phương pháp hành thiện của nhà Phật rất nhiều, nhưng đứng đầu là bố thí. Bố thí nói gọn là một chữ xả mà thôi. Người làm được như vậy sẽ trong xả lục căn (1), ngoài xả lục trần (2), Xà tất cả những gì đang có. Nếu không làm được như vậy, thì trước tiên tập bố thí bằng tiền. Con người sống cần cơm ăn áo mặc, xem tiền là quan trọng nhất. Nay chúng ta tập xả bỏ tiền, trong có thể phá được tánh tham tiếc của mình, ngoài có thể cứu giúp người đang lâm nạn. Lúc tập ban đầu có lẽ hơi khó, nhưng rồi sẽ quen đi. Bố thí rất dễ rửa sạch được lòng ích kỹ, trừ bỏ tánh keo kiệt.
     
    (1) Lục căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
    (2) Lục Trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.


    8. Hộ trì chánh pháp


    Thế nào là hộ trì chánh pháp ? Pháp là cái thấy của chúng sanh tích trữ trong muôn kiếp và được lưu truyền lại. Nếu không có chánh pháp thì làm sao ta có thể góp phần xây dựng trời đất ? Làm sao tài bồi vạn vật ? Làm sao thoát khỏi sự ràng buộc bởi lục trần ? Làm sao tổ chức lại thế giới và đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi ? Cho nên khi thấy các pho tượng thánh hiền trong chùa chiền cũng như các kinh sách, ta đều phải kính trọng, bảo trì và tu bổ. Càng phải khuyến khích các việc hoằng dương chánh pháp cũng như đền đáp ân Phật.


    9. Tôn kính người trên như tôn kính trời


    Thế nào là tôn kính trưởng lão ? Đối với cha mẹ anh chị trong nhà, vua quan trong nước, người già cả, người đạo đức, có chức vị, có hiểu biết, ta đều phải hết sức để ý vấn đề tôn kính phụng sự. Ở nhà phụng sự cha mẹ phải hết lòng thương mến, đối xử dịu dàng hòa nhã. Tập cho quen tánh hoà thuận, đó là điều căn bản để cảm ứng với trời. Đi ra ngoài phụng sự người trên, làm bất cứ việc gì, đừng nghĩ người trên không biết thì muốn làm gì thì làm. Xử phạt cũng vậy, đừng nghĩ người trên không biết mà lạm thế làm oai. Cách ngôn có câu : « Phụng sự người trên phải xem như phụng sự trời » vậy. Ở đây, yếu tố quan trọng nhất là âm đức. Chúng ta thử để ý xem những gia đình trung hiếu, không con cháu nào không phát đạt thịnh vượng lâu dài. Ta phài cẩn thận để ý điểm này.


    10. Yêu quý mạng sống, nhớ ơn cơm áo


    Thế nào là yêu quý mạng sống ? Con người sở dĩ xứng đáng gọi là người chỉ vì có lòng thương xót mà thôi. Ta có thể trở nên người nhân nghĩa đạo đức hay không đều căn cứ trên yếu tố đó. Đầu mùa xuân là lúc muôn loài mang thai sanh con đẻ cái. Cho nên Chu Lễ (1) quy định cấm giết súc vật cái làm đồ tế vào tháng Giêng.

    Mạnh Tử nói : « Quân tử phải tránh xa nhà bếp » là để bảo toàn lòng thương xót của mình vậy. Các vị tiền nhân đều giữ bốn giới không ăn : « Nghe tiếng kêu của con thú bị giết không ăn. Thấy con thú bị giết không ăn. Con thú do chính mình nuôi không ăn. Con thú bị giết vì mình không ăn ».

    Nếu chúng ta chưa có thể hoàn toàn bỏ hẳn được ăn mặn thì cũng nên bắt đầu tập giữ bốn giới này. Rồi dần dần tiến lên. Khi lòng từ bi ngày càng tăng trưởng, lúc đó không những giữ giới không sát sanh thú vật mà còn bảo vệ đến cả những con trùng nhỏ bé vì chúng cũng có linh tính, có mạng sống. Những áo lụa ta mặc đã phải nấu chết biết bao con tằm để lấy tơ ? Những miếng cơm ta ăn phải cuốc đất giết hại côn trùng biết bao nhiêu ? Ta phải nhớ ơn và tiết kiệm từng miếng ăn áo mặc vì chúng chết để nuôi sống ta. Nếu ta phí phạm chẳng khác gì sát sanh ? Còn vô tình giết hại như tay đập chân giẫm thì biết đâu mà kể, ta phải hết sức tránh né.

    Thơ ngày xưa có hai câu : « Thương chuột để lại chút cơm, thương ngài (2) không đốt đèn dầu ». Thật là từ bi biết bao !

    Hình thức hành thiện nhiều vô cùng tận, không sao kể hết. Hãy theo mười điều kể trên mà suy diễn phát huy thì tất cả công đức rồi sẽ đầy đủ.

    (1) Chu Lễ : là một cuốn sách do Chu Công viết để quy định mọi nghi lễ của triều đại nhà Chu. Các vua sau này đều căn cứ vào cuốn sách này để soạn ra nghi lễ của họ.
    (2) ngài: một loại bườm nhỏ thường bay vào những ngọn đẻn sáng, đèn dầu

  6. Cảm ơn bởi:


  7. #14
    Phụ Tá

    Ngày tham gia
    May 2012
    Bài viết
    1,079
    Chương bốn : Đức hạnh khiêm tốn

    Kinh Dịch dạy quy luật vũ trụ:

    Luật thiên: Dư thừa bị rút bớt, Thiếu hụt được bổ thêm.
    Luật địa: Cao lồi bị bào mòn, Trũng thấp được bồi đắp.
    Luật quỷ thần: Kiêu ngạo bị trừng phạt, Khiêm tốn được ban phước.
    Luật người: Tự mãn bị người nghét, Khiêm hạ được giúp thương.

    Qua những quy luật trên, chúng ta nhận thấy từ thiên, địa, quỷ, thần cho đến con người đều binh vực bên khiêm hạ. Trong Kinh Dịch (1) gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng bao gồm tính chất tốt lẫn xấu, chỉ có quẻ Khiêm này trong đó 6 hào (2) đều tốt.

    Kinh Thư cũng dạy rằng : « Tự mãn gây thiệt thòi, Tự khiêm được ích lợi ». Ta nhiều lần đi thi với những bạn học đều nhận thấy rằng những thí sinh sắp sửa thi đậu đều có một khuông mặt tràn đầy khiêm tốn.

    (1) Kinh Dịch : dạy chúng ta hiểu rõ quy luật thiên nhiên cũng như quy luật con người để ta biết điều gì nên tìm đến và điều gì nên tránh né .
    (2) Hào : Trong Kinh Dịch có 64 quẻ. Mỗi quẻ gồm 6 hào, hào có nghĩa là giao nhau, nói lên tính chất tốt hay xấu cho từng trường hợp.


    Thật thà chất phát, cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt, bị nhục không cãi


    Năm Tân Mùi (1571), mười anh em trong huyện Gia Thiện chúng ta lên kinh đô thi cử nhân. Trong đó Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất và cũng là người khiêm tốn nhất trong đám. Ta nói cho người bạn Phi Cẩm Ba rằng : « Người này năm nay sẽ đậu. » Phi Cẩm Ba không hiểu hỏi : « Sao anh biết ? » Ta nói : « Chỉ có người khiêm tốn mới gặp lành. Anh xem trong mười người chúng ta, có ai thật thà chất phát, không dành dẫn đầu lấy oai như Kính Vũ đâu? Có ai cung kính vâng chìu, thận trọng dè dặt như Kính Vũ đâu? Có ai bị làm nhục mà vẫn im lặng, bị nói xấu mà không biện hộ như Kính Vũ đâu? Người được như thế, trời đất quỷ thần đều sẽ phù hộ, làm sao mà không đậu được » ? Đến khi xem kết quả, quả thật Kính Vũ thi đậu.


    Khiêm hạ nghiêm nghị, thản nhiên nhận lỗi


    Năm Đinh Sửu (1577) ta đi thi tại Kinh đô. Ở chung phòng với ông Phùng Khai Chí (1). Thấy ông khiêm hạ với nét mặt nghiêm nghị, không còn thấy những tạp khí ngày xưa nữa. Ông Phùng có một bạn tốt tên là Lý Tề Nghiêm, người thật thà thẳng thắn, thấy bạn làm sai là phê bình ngay trước mặt. Vậy mà ông Phùng thản nhiên nhận lỗi, không hề cãi lại. Tôi nói với ông Phùng rằng : « Phước hay họa sắp đến đều có những dấu hiệu báo trước của nó. Nếu lòng thật sự khiêm tốn thì trời sẽ giúp. Theo nhận xét của tôi ông năm nay chắc chắn thi đậu ». Sau đó ông Phùng đậu đúng y như ta đoán.

    Ông Triệu Dư Phong, người tỉnh Sơn Đông, huyện Quan. Chưa đầy 20 tuổi đã thi đậu cử nhân. Nhưng sau đó thi tiến sĩ mãi vẫn không đậu. Thân phụ ông làm khoa trưởng huyện Gia Thiện. Ông Phong xin đi theo giúp việc. Trong huyện có ông Tiên Minh Ngộ, người tài cao học rộng, ông Phong lấy làm ngưỡng mộ và đem những bài văn xuất săc đến gặp ông Tiên Ngộ nhờ chỉ dạy. Nhưng không ngờ ông Ngộ lấy viết gạch bỏ hết những câu trong văn của ông Phong. Nếu là người khác chắc đã nổi nóng lên rồi, nhưng ông Phong không những không giận, mà lại khâm phục và nhanh chóng vâng lời sửa sai. Năm tới ông liền đậu tiến sĩ.

    (1) Phùng Khai Chi : Họ Phùng, tên Mộng Trinh, hiệu Khai Chi, người Triết Giang đời Minh. Học rộng chí cao, đậu tiên sĩ hạng nhất, làm quan biên soạn trong Hàn Lâm Viện.


    Phước sắp đến, trí tuệ mở : lông bông sẽ chửng chạc, láo xược sẽ nghiêm nghị


    Năm Nhâm Thìn(1592), ta lên kinh đô ra mắt vua. Ở đó ta có quen ông Hạ Kiến Sở. Thấy ông ta có khí sắc nhún nhường hạ mình, vẻ khiêm tốn tràn đầy. Ta về nói với bạn rằng : « Trời sắp ban phước cho người này ! Vì phước chưa đến mà đã thấy trí tuệ mở (1). Một khi trí tuệ mở thì người lông bông sẽ chửng chạc lại, người láo xược sẽ nghiêm nghị lại. Ông Kiến Sơ hiền lành ôn hoà đến mức như thế là dấu hiệu trời đã mở trí huệ cho ông ». Đến khi công bố kỳ thi kết quả, ông Kiến Sơ trúng tuyển thật.

    (1) Trí tuệ mở : Khi lòng yên tịnh đến một mức độ nào đó sẽ có hiện tượng khai trí tuệ. Có nghĩa là người đó sẽ cảm thấy đầu óc bỗng rõ ràng sáng sủa, những vấn đề ngày xưa không thấy mà bây giờ thấy rõ, những vấn đề ngày xưa cho là rắc rối nan giài bây giờ có thể giải quyết nhanh chóng dễ dàng, thái độ bề ngoài trở nên nghiêm nghi chững chạc.


    Tạo công đức không cần tốn tiền, giữ niệm thiện trong lòng là đủ


    Ở huyện Giang Âm có ông Trương Uy Nghiêm, học vấn giỏi, văn chương hay, nổi tiếng trong giới văn học. Năm Giáp Ngọ (1594) đi thi cử nhân ở Nam Kinh. Ông ở trọ trong một ngôi chùa. Sau khi biết kết quả thi rớt, ông trở về chùa mở miệng mắng chửi giám khảo kỳ thi là mờ mắt, không thấy tài năng của ông. Lúc đó bên cạnh có một đạo sĩ nhìn ông mỉm cười. Ông Trương liền đổ cơn giận về phía đạo sĩ. Đạo sĩ bèn nói : « Văn chương của ông chắc chắn không hay ! ». Ông Trương càng nổi nóng thêm nói rằng : « Thầy chưa đọc văn tôi sao biết văn tôi không hay ? » Đạo sĩ nói : « Làm văn hay điều khó nhất là phải sáng tác lúc trong lòng bình yên. Nay nghe ông chửi rủa lớn tiếng đủ thấy lòng ông không yên, như vậy văn của ông làm sao hay được » ? Ông Trương cảm thấy ông đạo sĩ có lý và xin chỉ dạy.
    Đạo sĩ nói : « Đậu rớt đều do số mạng. Nếu số mạng không đậu thì dù văn chương hay cách nào cũng chẳng làm gì được. Cho nên phải tự thay đổi số mạng trước ». Ông Trương hỏi : « Nếu là số mạng thì làm sao thay đổi » ? Đạo sĩ nói : « Mạng tuy do trời tạo, nhưng đổi hay không là do ta. Chỉ cần hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức (1). Phước nào mà chẳng cầu không được » ? Ông Trương nói : « Tôi là học trò nghèo, tiền đâu để làm thiện » ? Đạo sĩ nói : « Việc thiện và âm đức chẳng qua phản ảnh tấm lòng của mình. Nếu luôn giữ một lòng lương thiện, công đức sẽ vô lượng. Như giữ lòng khiêm tốn chẳng hạn, chẳng cần tốn xu nào. Sao ông không tự xét lại mình mà lại còn chỉ trích giám khảo làm gì ? »

    Từ đó về sau, ông Trương dẹp bỏ tạp khí kiêu ngạo của mình và nghiêm chỉnh kềm chế mình để đừng lạc vào con đường ngày xưa nữa. Vì vậy việc thiện mỗi ngày mỗi tu thêm, phước đức mỗi ngày mỗi tích lũy nhiều. Đến năm Đinh Dậu (1597), ông nằm mơ thấy đi đến một lầu cao, trông thấy danh sách trúng tuyển nhưng bên trong còn có nhiều chỗ bỏ trống. Ông hỏi người kế bên, người đó trả lời rằng : « Đây là danh sách trúng tuyển kỳ thi năm nay. » Hỏi : « Tại sao có nhiều chỗ bỏ trống? » Trả lời rằng : « Danh sách trúng tuyển cứ mỗi ba năm xét lại một lần, phải là những ai có âm đức và không gây tội lỗi mới có tên trong danh sách này. Như những chỗ bỏ trống đều là tên của những người đáng lẽ thi đậu những vì hạnh kiểm của họ không tốt cho nên bị xóa đi. » Sau đó lại chỉ một chỗ trống trên bảng danh sách và nói rằng : « Đây là chỗ của ông. Ba năm nay ông kiểm soát mình khá cẩn thận, có lẽ cũng sắp có tên rồi đấy. Mong ông tự thương lấy mình, đừng làm lỗi lầm nữa ». Quả nhiên năm đó ông Trương đậu hạng 105.
     
    (1) Âm đức : Làm thiện ngấm ngầm không ai hay.


    Khiêm tốn lòng mở rộng, rộng lượng chứa phước nhiều


    Qua những chuyện xảy ra ở trên, chúng ta thấy rằng, xung quanh chúng ta đều luôn có thần minh giám sát. Dĩ nhiên ai cũng muốn tích chứa phước đức và tránh né tai hoạ, việc ấy hoàn toàn là do ta quyết định. Ta phải luôn luôn nhớ đến việc kiểm soát hành động của mình. Đừng bao giờ làm mất lòng thiên địa quỉ thần, mà còn phải khiêm tốn hạ mình. Để cho thiên địa quỉ thần lúc nào cũng thương xót ta, vậy mới tạo được cơ sở nhận phước. Còn những người tự cao đều không thể mở lòng rộng lượng hơn thêm. Dù một thời vượng lên rồi cũng không duy trì được lâu. Cho nên đối với người có chút hiểu biết, không ai muốn làm lòng mình nhỏ hẹp rồi hết chỗ chứa đựng phước báo. Hơn nữa, với lòng khiêm tốn, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng chỉ dạy giúp đỡ, ích lợi vô cùng. Nhất là đối với những người đi theo con đường thi cử, khiêm tốn là điều không thể thiếu được.


    Ước mong như gốc rễ, có rễ mới có trái


    Người xưa nói rằng : « Người ước mong công danh (1) sẽ có công danh. Ước mong phú quí sẽ có phú quí ». Ước mong của con người như rễ của cây, có rễ mới có trái. Muốn tạo vững ước mong này, ý nghĩ nào cũng phải khiêm tốn, việc làm nào cũng tạo phương tiện cho người khác, dù là chuyện nhỏ như hạt bụi, cũng hết lòng mà cống hiến. Như thế mới cảm động trời đất rồi phước mới đến. Phải nhớ rằng phước tạo được hay không là do nơi ta. Nay người mong cầu thi đậu làm quan thường không có chí vững chắc ; Tùy cơn hứng, hứng lên thì hăng say, hứng xuống rồi bỏ. Mạnh tử nói với vua Tề Tôn rằng : « Vua vui thích nhạc. Nếu vua vui mà không quên làm cho dân vui, khổ mà không quên giải quyết vấn đề khổ cho dân thì nước Tề không lý do gì mà không đi đến thịnh vượng ». Ta nhìn con đường công danh cũng như thế; Ta ước mong công danh, nhưng vẫn không quên nâng đở cho mọi người đều được công danh, số mạng mọi người đều chuyển biến vương thịnh.
     
    (1) Công danh : khi thi đậu từ tú tài trở lên mới được gọi là có công danh.

  8. Cảm ơn bởi:


 

 

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Tag của Chủ đề này

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •