PDA

View Full Version : HÌNH NHI THƯỢNG và HÌNH NHI HẠ



tuongduy
06-04-21, 10:41
Hình nhi thượng (hình thượng) và hình nhi hạ (hình hạ) là hai khái niệm quan trọng trong triết học Trung Quốc. Hai khái niệm này bắt đầu xuất hiện trong Chu Dịch, một bộ sách tối cổ được xem là đứng đầu các bộ kinh điển khác.


Hệ Từ Thượng (chương 12) của Chu Dịch chép:
Cho nên cái ở trên hình gọi là Đạo. Cái ở dưới hình gọi là khí vật. Sửa đổi và chế tạo gọi là biến. Suy ra mà hành động gọi là thông. Lấy Đạo và khí vật thi hành cho dân chúng trong thiên hạ gọi là sự nghiệp.[1]


Chữ khí ở đây là đồ vật, khí vật, vật dụng (utensils); không phải là khí (vital breath) như khí Âm và khí Dương.


Trên đây là ý nghĩa ban đầu của hình nhi thượng và hình nhi hạ. Sự phân biệt Đạo và khí đã dần phát triển rộng, kể từ đời Tấn về sau.


Hàn Khang Bá (330-380) đời Tấn cho rằng mọi sự vật có hình có tượng đều là khí (khí vật), còn cái vô hình vô tượng thì gọi là Đạo. Đạo thì vắng lặng và không hình thể, nhưng nó là bản căn của mọi vật có hình có tượng. Tượng hào Âm và hào Dương và khí Âm khí Dương đều có hình có tượng, nên thuộc về lãnh vực khí vật. Đạo thì vô hình vô tượng, dù ở lãnh vực Âm thì cũng không có tượng Âm, dù ở lãnh vực Dương thì cũng không có tượng Dương. Nhưng Âm và Dương đều phải nương dựa vào Đạo để thành hình thành tượng, cho nên Dịch Truyện mới nói: Một Âm một Dương gọi là Đạo.[2]

Khổng Dĩnh Đạt (574-648) đời Đường phát huy quan điểm của Hàn Khang Bá, cho rằng Đạo là thể , còn khí (khí vật) là dụng 用. Ông giảng:

Đạo là tên gọi cái không hình thể; hình là tên gọi cái có vật chất. Nói chung, cái có sinh ra từ cái không; hình được lập từ Đạo. Cho nên Đạo có trước, hình có sau; Đạo ở trên hình, hình ở dưới Đạo. Cho nên từ bên ngoài hình trở lên gọi là Đạo; từ bên trong hình trở xuống gọi là khí vật. Hình tuy nằm ở khoảng giữa hai bờ Đạo và khí vật, nhưng hình ở tại khí vật chứ không ở tại Đạo. Do đó, cái gì đã có hình chất thì có công dụng của khí vật. Cho nên nói: ‘Cái ở dưới hình gọi là khí vật’.[3]

Thôi Cảnh [4] đời Đường cho rằng thiên địa vạn vật đều có hình chất, nên chúng gọi là khí (khí vật), là thể. Xét về mặt hình thể và thể chất mà nói thì chúng là khí, là thể; xét về công năng và tác dụng mà nói thì chúng là Đạo, là dụng. (Quan điểm này ngược với Khổng Dĩnh Đạt). Thí dụ như trời tròn đất vuông, hình thể của trời đất là khí, là thể. Xét về công năng và tác dụng của trời đất sinh thành vạn vật thì trời đất là Đạo, là dụng. Cành nhánh của cây cỏ là khí, là thể. Tính năng sinh trưởng cây cỏ là Đạo, là dụng. Theo quan điểm này, không phải Đạo (hình nhi thượng) có trước khí (hình nhi hạ), mà Đạo tồn tại trong khí.


Đời Tống và đời Minh, cuộc tranh luận giữa Đạo và khí vẫn tiếp diễn. Trương Tái (1020-1077) đưa ra khái niệm khí Thái Hư và Lý. Ông cho rằng khí Thái Hư là toàn thể khí 氣 (vital breath). Khi khí ấy còn phân tán chưa tích tụ lại, thì khí ấy gọi là Thái Hư. Khí tụ thì nó thành cái mà mắt ta thấy được, tức là hữu hình. Khí tán thì nó không thành cái mà mắt ta thấy được, tức là vô hình. Khí tụ thành vạn vật, vậy vạn vật là hiện tượng của khí tụ. Khí tán ra rồi thì sẽ tụ; tụ lại rồi thì sẽ tán. Khí tụ thì thành vật; tán ra thì vật huỷ diệt. Tuần hoàn như thế mãi không thôi. Đó cũng là một hiện tượng phổ biến trong vũ trụ. Sự sinh ra vạn vật do khí tụ tuân theo một qui luật nhất định, gọi là Thiên tự 天序 (thứ tự của Trời) hay Thiên trật 天秩 (trật tự của Trời). Trời sinh vạn vật cũng có thứ tự, vạn vật đã thành hình rồi thì cũng có trật tự. Cái gọi là Thiên trật hay Thiên tự ở đây tức là Lý 理. Sự tụ tán và công thủ của khí 氣 đều xuôi thuận theo Lý và không sai lầm. Theo thuyết này, ngoài khí 氣 ra còn có Lý. Thuyết Lý và Khí của Trương Tái về sau được Chu Hi phát triển thêm.


Anh em Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1108) có quan điểm khác nhau. Trình Hạo (Trình Minh Đạo) mở đường cho phái Tâm Học còn Trình Di (Trình Y Xuyên) mở đường cho phái Lý Học. Anh em họ Trình có kiến giải khác nhau về Lý. Điều ấy thấy rõ trong kiến giải của họ về hình nhi thượng và hình nhi hạ.
Trình Hạo không cho rằng Lý lìa vật mà tồn tại, nên ông không chú trọng lắm sự phân biệt hình nhi thượng và hình nhi hạ. Trình Hạo nói:
Hệ Từ nói: ‘Cái ở trên hình gọi là Đạo; cái ở dưới hình gọi là khí vật.’ Lại nói: ‘[Thánh nhân] xác lập: đạo trời thì có Âm và Dương, đạo đất thì có nhu và cương, đạo người thì có nhân và nghĩa.’ Lại nói: ‘Một Âm và một Dương gọi là Đạo.’ Âm Dương cũng là hình nhi hạ, nhưng chúng được gọi là Đạo. Lời này cho thấy sự phân biệt rất rõ giữa cái trên hình và cái dưới hình. Âm Dương vốn là Đạo. Người ta cần im lặng mà biết nó.[5]

Theo Trình Hạo, Âm và Dương là hai khí có sự thịnh, suy, tiêu, trưởng; cho nên cũng là hình nhi hạ. Tuy nhiên, Trình Hạo nói Âm Dương vốn là Đạo. Hình nhi thượng là Đạo, hình nhi hạ là khí vật (khí 器). Tuy nói như thế, nhưng khí vật cũng là Đạo. Đạo cũng là khí vật. Do đó phái Tâm Học về sau không phân biệt hình nhi thượng và hình nhi hạ; điều ấy khác xa phái Lý Học.


Trình Di (phái Lý Học) rất chú trọng sự phân biệt giữa hình nhi thượng và hình nhi hạ. Theo ông, một Âm một Dương gọi là Đạo. Đạo không phải là Âm và Dương, sở dĩ một Âm một Dương tương tác nên gọi là Đạo. Lìa bỏ Âm Dương thì không có Đạo; bởi vì Âm Dương là Đạo. Âm Dương là khí. Khí thuộc hình nhi hạ, Đạo thuộc hình nhi thượng. Hình nhi thượng thì bí mật.


Theo phái Lý Học, hình nhi hạ là khí vật, tức là sự vật cụ thể trong thời gian và không gian; còn hình nhi thượng là Đạo, tức là cái Lý trừu tượng, tồn tại mãi mãi, vượt trên cả thời gian và không gian. Hình nhi thượng được thấy ở hình nhi hạ. Không có khí vật của hình nhi hạ thì ta không thấy cái Đạo của hình nhi thượng. Cho nên Trình Di nói lìa bỏ Âm Dương thì không có Đạo. Nhưng Đạo là sự tương tác giữa một Âm và một Dương. Sự tương tác ấy không phải là Âm Dương, cho nên Trình Di nói Đạo không phải là Âm và Dương. Ở đây Trình Di chú trọng sự phân biệt giữa hình nhi thượng và hình nhi hạ. Ý nghĩa mà phái Lý Học gán cho hình nhi thượng và hình nhi hạ thì đến Chu Hi mới trở nên hoàn bị.


Theo Chu Hi, vật có hình tượng, tức là khí 器 (khí vật); cái tạo ra Lý của khí tức là Đạo. Cái gọi là Đạo ở đây ám chỉ một nguyên lý hay khái niệm trừu tượng; còn khí 器 ám chỉ một sự vật cụ thể. Khi một vật được tạo ra, thì trong nó có một Lý nào đó. Đối với vạn vật được tạo ra trong vũ trụ, trong mỗi vật cũng đều có một Lý nào đó. Vật trong trời đất, bất kể là thiên nhiên hay nhân tạo, đều có cái Lý khiến cho nó phải như thế. Cái Lý ấy đã có trước khi vật được tạo ra.

Theo Chu Hi, Thái Cực chính là sự tổng hòa của các Lý của vạn vật trong trời đất, và cũng là tiêu chuẩn tối cao của vạn vật và trời đất. Chu Hi xem khí 氣 là khí 器 (khí vật, vật chất), ông nói:

Giữa trời đất có Lý 理 và có khí 氣. Lý là Đạo thuộc hình nhi thượng, là gốc sinh ra vạn vật. Khí 氣 là khí 器 (khí vật, vật chất) thuộc hình nhi hạ, là công cụ sinh ra vạn vật. Do đó khi được sinh ra, người và vật phải bẩm thụ cái Lý này, rồi sau mới có tính; phải bẩm thụ cái khí 氣 này, rồi sau mới có hình.[6]

Giữa đời Minh và đời Thanh, Vương Phu Chi (1619-1693) có kiến giải về Đạo 道 và khí 器 (khí vật, khí cụ), trái ngược với kiến giải của Chu Hi. Theo Vương Phu Chi, hình nhi thượng không lìa hình nhi hạ, Đạo và khí (khí vật) không rời nhau. Thiên hạ chỉ là khí (khí vật). Có khí vật thì có hình, có hình rồi mới có hình nhi thượng. Đạo (hình nhi thượng) thì nương dựa vào khí vật (hình nhi hạ). Đạo và khí vật thống nhất ở một hình.

Tóm lại, sự phân biệt giữa hình nhi thượng (Đạo) và hình nhi hạ (khí / khí vật) được trình bày sơ lược trên đây đại khái là sự phân biệt giữa cái chung và cái riêng, giữa bản chất và hiện tượng, giữa dụng và thể, giữa quy luật và thực thể. Cao Hanh (1900-1986) nói hình nhi thượng bao quát các thứ như tư tưởng, học thuật, lý luận, phương pháp, chế độ, v.v... Hình nhi hạ bao quát các thứ như thiên địa, động vật, thực vật, khí giới, v.v... Mọi thứ trong trời đất được phân làm hai loại: Đạo và khí (khí vật).[7] Cái học về hình nhi thượng (Đạo) gọi là hình nhi thượng học; và cái học về hình nhi hạ (khí / khí vật) gọi là hình nhi hạ học.


LÊ NGUYÊN LƯỢNG

Bà Chiểu, 07-01-2013

[1] Thị cố hình nhi thượng giả vị chi Đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí. Hoá nhi tài chi vị chi biến, suy nhi hành chi vị chi thông, cử nhi thố chi thiên hạ chi dân vị chi sự nghiệp. 是故形而上者 謂之道, 形而下者謂之器. 化而栽之謂之變, 推而行之謂之通, 舉而措之天下之民謂之事業.

[2] Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo. 一陰一陽之謂道.

[3] Chu Dịch Chính Nghĩa, Vương Bật chú, Khổng Dĩnh Đạt sớ.

[4] Năm sinh năm mất của Thôi Cảnh không rõ, chỉ biết sống sau Khổng Dĩnh Đạt và trước Lý Đỉnh Tộ. Lời chú của Thôi Cảnh được Lý Đỉnh Tộ chép trong Chu Dịch Tập Giải.

[5] Nhị Trình Di Thư.

[6] Chu Văn Công Văn Tập.

[7] Chu Dịch Đại Truyện Kim Chú.

tuongduy
06-04-21, 10:47
Sự khác biệt của Thiền học với Hình nhi thượng học (https://phatgiao.org.vn/su-khac-biet-cua-thien-hoc-voi-hinh-nhi-thuong-hoc-d19897.html#)

Người ta thường hay nhận lầm Thiền học tức là Hình nhi thượng học của Triết học Tây phương, thật ra thì chẳng đúng. Bởi Hình nhi thượng học là một môn học để giải thích bản thể của vạn hữu, mà pháp Thiền là phương pháp dùng để chứng nhập bản thể của vạn hữu.

Hình nhi thượng học dù muốn giải thích bản thể của vạn hữu, nhưng vì bản thân của người nghiên cứu chưa chứng nhập bản thể cho nên chẳng có cách nào chơn chính để nhận biết bản thể và giải đáp một cách đầy đủ triệt để. Thật bản thể này chẳng phải dùng kinh nghiệm suy tư có thể đạt đến, như kinh Viên Giác nói: “Dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới của Như Lai, như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu Di thì làm sao cháy được!”.

Học giả Tây phương đối với vấn đề chơn thật siêu việt kinh nghiệm xưa nay chẳng có cách nào để giải quyết, như các nhà triết học Emmanuel KANT (1724-1804) bèn cho trí thức năng lực của con người chỉ có thể nhận biết thế giới tương đối trong phạm vi cảm giác suy tư, đối với cái bản thể thế giới tuyệt đối siêu việt kinh nghiệm suy tư thì chẳng có cách nào để nhận biết được, lại có người cho rằng việc này chẳng cần nghiên cứu nữa, rồi chuyển hướng hết lòng để nghiên cứu khoa học, nhưng đại đa số học giả vẫn cho là trong thế hệ Triết học chẳng thể thiếu sự nghiên cứu Hình nhi thượng học, bất quá chẳng lấy bản thể tuyệt đối làm đối tượng nghiên cứu, chỉ lấy lý luận căn bản của sự vật để làm vấn đề nghiên cứu mà thôi. Cho nên trong Triết học Tây phương chỉ có bản thể luận tương đối, chẳng có bản thể luận tuyệt đối.

Từ xưa nay trải qua mấy ngàn năm, học giả Tây phương đều hướng vào kinh nghiệm suy tư để làm công phu, chẳng những không được chứng nhập bản thể siêu việt kinh nghiệm suy tư, lại nghiên cứu sâu chừng nào thì xa lìa bản thể nhiều chừng nấy, cái nguyên do là thiếu một phương pháp để chứng nhập bản thể.

Sự Tham Thiền chẳng phải trực giác, trực giác là do tác dụng của bộ não thần kinh, bộ não thần kinh chẳng thể biết được Phật tánh. Các học giả Tây phương chỉ tùy theo kinh nghiệm trong vật chất, chọn cái nào là căn bản nhất để làm cái nguồn gốc của vạn vật mà thôi.

Trong lúc nhà triết học Hy Lạp đang dùng kinh nghiệm suy tư để truy cứu nguồn gốc của vạn vật, thì Phật Thích Ca phát minh được phương pháp để trực tiếp chứng nhập bản thể, siêu việt kinh nghiệm suy tư đã mấy ngàn năm. Cho nên pháp Thiền của Phật Thích Ca thật là một phát minh lớn nhất của loài người, giá trị ấy thật chẳng thể đo lường.

Từ khi Phật Thích Ca phát minh pháp Thiền trực tiếp chứng nhập, người tu theo pháp này được kiến tánh thành Phật (chứng nhập bản thể) đã vô số kể, chỉ nói về Trung Quốc, người được kiến tánh, được ghi trong các Truyền Đăng Lục, đã hơn bảy ngàn người, còn những người đã kiến tánh mà chưa được ghi vào thì chẳng biết là bao.

Tác giả: Thiền sư Nguyệt Khê
Việt dịch: Thiền sư Thích Duy Lực
Trích Cội nguồn truyền thừa và Phương pháp tu trì của Thiền tông.