PDA

View Full Version : Luận nữ mệnh



chung
30-01-13, 09:42
- Kim Cương viết -

Trong môn tử bình, trong khi luận cho nam mệnh lấy Tài Quan Ấn làm chính thì nữ mệnh lấy Quan tinh và Tử tinh mà xét. Đó là vì theo quan niệm trọng nam khinh nữ, lấy tam tòng tứ đức làm chính. Nếu Quan và Thực có lợi thì mệnh của nữ cũng tốt đẹp, ngược lại thì xấu. Quan niệm ngày nay có thay đổi, giai cấp thay đổi, nam nữ bình đẳng, nên luận số vẫn phải theo thời, cả nam lẫn nữ đều xét mệnh cục chung. Tuy nhiên, bình đẳng đến mức nào có lẽ để mỗi người tự xét đoán. Chúng ta chỉ xem lại những cách luận cho nữ theo quan niệm "phu lợi kì phụ tất lợi"* để hiểu và làm tài liệu nghiên cứu.

* (Chồng có lợi thì vợ cũng lợi theo)

Có một cái chung nhất khi luận nam và nữ mệnh, cần nhất là ngũ hành trung hòa, kỵ mệnh thiên khô và cần phải đắc khí. Nếu nam có 8 cách để luận bình thường, thì nữ cũng có "bát pháp" và "bát cách".

Bát pháp là 8 mẫu hình dành cho phụ nữ: Thuần, Hòa, Thanh, Quý, Trọc, Lạm, Xướng, Dâm.

1. Thuần: chỉ có 1 Quan hay 1 Sát lộ, có Tài và Ấn lộ, địa chi không xung, không hình, không có hỗn tạp (thiên chánh đều có gọi là hỗn tạp).

2. Hòa: tứ trụ trung hòa, không quá vượng, không quá nhược, không có khắc, xung, hình, hại; gọi là "hòa bình chi tượng". Người bên ngoài thể hiện rất là điềm tĩnh, rất dễ nhận ra.

3. Thanh: giống như Thuần, chỉ có 1 Quan hay 1 Sát, nếu không lộ cũng không được hỗn tạp, có Tài sinh Quan hoặc có Ấn trợ thân. Người rất thanh quý và hiền hòa.

4. Quý: có Quan tinh trong trụ, không hỗn tạp, Tài tinh vượng sinh cho Quan, địa chi không bị hình xung, lại có Quý nhơn hỗ trợ (Thiên đức, Nguyệt đức, Văn Xương).

5. Trọc: hành Thủy và Thổ đều có và mạnh, thân quá vượng, Quan tinh không có, lại có nhiều Thiên quan (Sát), hoặc không có Tài, Ấn và Thực. Mệnh gọi là tiện cách, thường là vợ lẽ, thứ thiếp hoặc nghề nghiệp không được trọng vọng trong xã hội.

6. Lạm: nhiều Quan tinh và Sát hỗn tạp, Tài vượng nhưng bị ám xung. Mệnh người ham mê vẻ bề ngoài, không hướng nội, hoặc gặp tái giá hay chỉ làm thê thiếp, làm thuê mướn.

7. Xướng: thân cực vượng, mà Quan tinh tọa đất suy bại. Hoặc trụ không có Quan Sát, nếu có lại cùng thấu lộ ra. Thực Thương quá vượng. Mệnh này hoặc là theo nghề ca kỹ, hoặc khắc phu loạn luân.

8. Dâm: thân tự vượng, can loạn trọc hoặc bị đa hợp tranh hợp, chi bị ám, xung, Tài tinh hoặc Thực Thương quá vượng, nhiều Đào hoa tinh. Hoặc tứ trụ Thủy thịnh vượng không có Thổ khắc chế cũng nằm trong pháp này.

Nhìn chung, về nghề nghiệp của phụ nữ cũng bị đặt theo thời thế khi xưa, bây giờ nên xét giảm khinh lại hầu như quá nửa.



Dựa vào Bát pháp cổ nhân đặt ra Bát cách (8 cách cục dành riêng cho nữ mệnh):

1. Vượng phu thương tử: giúp được cho chồng nhưng khắc con. Mệnh có Tài tinh sinh Quan, nhưng Thực Thương bị xung mạnh, nhất là ở trụ giờ, hoặc đất của Thực Thương là đất suy, bịnh, tử, tuyệt.

2. Vượng tử thương phu: có con nhiều, lợi cho con nhưng không lợi cho chồng. Quan hay Sát bị phản sinh, hoặc cung phu là tuyệt địa, trong khi Tử tinh được trường sinh, lại có Tài vượng.

3. Thương phu khắc tử: khắc cả chồng lẫn con. Tệ nhất là can hợp với can của Quan hay Sát mà không hóa được Khí. Hoặc quan tinh bị đa khắc, thí dụ như 2 Mậu khắc 1 Nhâm. Tử tinh lại ở đất suy bại, bị không vong, hình xung.

4. An tĩnh thủ phận: mệnh trung hòa, tình cảm hợp đạo vợ chồng, chung thủy. Tốt nhất là can hợp hóa khí thuận với phu tinh, thí dụ như Quan là Hỏa mà có Mậu hợp Quý đúng thời đắc khí. Tuy nhiên lại có hành khắc chế quan tinh mạnh hơn. Tử tinh cũng đắc trường sinh, không bị xung hình hại. Mệnh có chồng con thuận thảo, chỉ vì thiếu Tài tinh nên chỉ thủ phận nội trợ là yên lành.

5. Hoạch tử yểu chiết: mệnh yểu tướng. Thân nhược mà Sát lại mạnh, nguyên cục bị khắc không có cứu, phu tinh không có, tử tinh làm loạn. Mệnh bị rút khí sớm nên yểu tướng.

6. Phúc Thọ lưỡng bị: vừa có phúc lại thọ. Chi ngày sinh có Lộc, không bị xung ám, phu tinh tọa đất trường sinh lại tọa đất Lộc trụ giờ. Cách này quý hiếm, gọi là Hội Lộc cách, vì chồng và con đều có Lộc (không bị xung khắc). Suốt đời bình an, chồng con đều hưởng.

7. Chánh Phiến tự xử: Chánh là Chánh quan, Phiến là Thiên Quan. Tượng này một là đa hợp, tranh hợp, hoặc có Thương quan và Quan tinh đều vượng khí, duyên phối đến chậm hoặc làm vợ kế, hay chẳng được yên thân, lưỡng lự hai bề.

8. Chiêu giá bất định: Quan tinh ở trụ tháng bị thất thời, tọa bại địa (như Giáp mộc là Quan tinh tọa mộc dục), lại trường sinh ở chi giờ (Giáp trường sinh ở Hợi). Quan tinh không gặp ở thời trung niên, mãi sau mới gặp. Hoặc như các can của Quan tinh bị hợp mà không hóa cũng rơi vào Cách này.