View Full Version : Trăm năm mệnh lý què quặt
Bài viết được thực hiện bời tác giả Vương Khánh ( Bạn Durobi dịch)
Trăm năm mệnh lý què quặt
Tác giả: Vương Khánh
1. Tỉnh ngộ
Học mệnh 15 năm, nghi hoặc và tìm kiếm mất đủ 11 năm, khoảng thời gian sung sức nhất đời người thế là lãng phí mất. Tôi (VK) vẫn còn may, hãy còn chưa bị hói hết tóc thì thấy ánh sáng cuối đường hầm của mệnh học, không biết bao nhiêu dân nghiền bát tự còn đang mò mẫm trong đêm tối. Bát tự tức nhân sinh, mệnh học tức vũ trụ. Bát tự mệnh học quả là không đơn giản, may có những vị tiên sư trí tuệ phi phàm như Quỉ Cốc Tử, Từ Tử Bình đã đem môn huyền học cao thâm của vũ trụ này dùng công thức đơn giản để định cách, tức đã sáng lập nên hệ thống bát tự dự đoán học. Người đời sau như chúng ta chỉ cần vận dụng công thức đi dự đoán, trong đa số trường hợp có thể đoán rất chuẩn xác. Lý luận cao thâm, trình thức phức tạp không tương đồng với vận dụng khó khăn, như máy tính vậy, là kết tinh của trí tuệ khoa học, vận dụng nó thì cực đơn giản. Bát tự mệnh học cũng vậy, nếu không thì làm sao những vị thầy bói khiếm thị không biết lấy một chữ cũng lấy nó làm nghề mưu sinh được ? Cái lý thì thế nhưng hình như trong thực tế không phải vậy, đại lục TQ kể từ khi thầy Thiệu Vỹ Hoa vào những năm 90 khởi xướng phổ cập môn Bát Tự đến nay đã hơn 20 năm rồi; Đài Cảng từ thời Dân Quốc đến nay cũng gần cả trăm năm; người học qua môn mệnh lý này đâu ít hơn số triệu, thế mà cho đến nay người thực sự được giới mệnh lý công nhận là cao thủ ít ơi là ít ! Mấy năm trước có vị tiền bối bên Kỳ Môn cảm thán rằng : "Đại lục không có một ai biết đoán mệnh cả !"
Bây giờ đi qua mới phát hiện, thứ mà đại lục và Đài Cảng cả trăm nay học là thứ "Mệnh lý què quặt", mà lại què đúng cái chân nhẽ ra phải là chủ lực. Một bệnh nhân với cái chân tật nguyền như vậy nếu có cho anh ta thêm 100 năm nữa thì đi được bao xa ?
2. Điểm chuyển biến của Tử Bình mệnh học
Phương pháp luận mệnh từ nhà Thanh về trước hầu hết dùng cách cục làm chính, kiêm cố thêm nhật chủ vượng suy, đi bằng hai chân cách cục pháp và vượng suy pháp. Điều này thể hiện rõ rành rành trong những kinh điển như "Uyên Hải Tử Bình", "Tam Mệnh Thông Hội", "Tích Thiên Tủy". Nếu bạn lâu quá không đụng tới mấy cuốn ấy thử bỏ chút thời gian lật lại xem có phải vậy không. Đến thời nhà Thanh, phương hướng luận mệnh môn Tử Bình phát sinh chuyển biến, đem Tử Bình pháp phân làm Vượng Suy phái và Cách Cục phái. Nhân vật đại biểu cho Vượng Suy phái là nhà mệnh lý chuyên nghiệp - tiên hiền Nhậm Thiết Tiều sống khoảng niên hiệu Đạo Quang nhà Thanh, tác phẩm tiêu biểu của ông là "Tích Thiên Tủy Xiển Vi"
Nhân vật đại biểu cho Cách Cục phái là vị tiên hiền Tiến Sĩ đời Càn Long là Thẩm Hiếu Chiêm, tác phẩm tiêu biểu của ông là "Tử Bình Chân Thuyên" Từ đó về sau, Tử Bình mệnh học không còn hoàn chỉnh nữa, hễ dùng cách cục thì không nhắc tới nhật chủ vượng suy, hễ trọng thị vượng suy thì khinh thị cách cục thành bại. Cuộc cải cách này cả trăm năm lại đây rất được những kẻ sơ học ủng hộ. Phải thôi, học tập mệnh lý không còn bị ràng buộc bởi cách cục và vượng suy bên nào nặng bên nào nhẹ, sẽ không còn bị khó khăn làm thế nào dung hòa cách cục và vượng suy. Hai phương pháp luận mệnh sau khi cải cách, vô luận là cách cục pháp hay là vượng suy pháp, chủ tuyến rạch ròi, đường hướng suy luận rõ ràng, trình tự đơn giản, dễ nhập môn, chẳng tốn bao thời gian là có thể nhập đạo. Từ đó, mệnh học là môn huyền học có ít người nghiên cứu nay trở thành môn học đại chúng dễ dàng, người học tăng rất nhiều. Từ đó, môn Tử Bình mệnh học mà cách cục và vượng suy liên quan chặt chẽ đã diễn biến thành môn mệnh lý không khuyết chân phải thì què chân trái, và đó chính là mệnh lý đại chúng hiện đại.
3. Sự truyền thừa của mệnh học hiện đại
Sự phát triển của mệnh lý hiện đại công lao lớn nhất đương nhiên phải qui công cho ba đại gia: Viên Thụ San tiền bối, Từ Lạc Ngô tiền bối và Vi Thiên Lý tiền bối, đương thời gọi là Nam Viên, Bắc Vi, Đông lạc Ngô. Nếu không có ba vị tiền bối này dốc bao tâm huyết trước tác rất nhiều tác phẩm mệnh lý để lại cho hậu học thì chúng ta đâu dễ tiếp xúc môn mệnh lý huyền học này. Về học thuật tu dưỡng của ba vị tiền bối thì khỏi bàn cãi, đều là bậc bác lãm quần thư, tất cả mọi kinh điển Tử Bình mệnh học đương nhiên là tư liệu học tập chủ yếu của các ông. "Tam Mệnh Thông Hội", "Uyên Hải Tử Bình" quá là bao la phức tạp, "Thần Phong Thông Khảo" thì hệ thống chưa đủ sự tinh luyện, chỉ có "Tích Thiên Tủy Xiển Vi" do Nhậm Thiết Tiều chú và "Tử Bình Chân Thuyên" của Thẩm Hiếu Chiêm là chủ đề rõ ràng, luận thuật tường tận, nên sự ảnh hưởng đến ba vị tiền bối là rất rõ. Nhậm Thiết Tiều dùng vượng suy pháp lấy nhật chủ làm trung tâm, vừa đơn giản rõ ràng vừa dễ học dễ dùng, phù hợp tâm tính thích đi đường tắt của con người; cách cục pháp của Thẩm Hiếu Chiêm tuy hệ thống cũng khá là tường tận, có điều bên trong đặt quá nhiều cánh cửa, đọc rất hay nhưng rất khó áp dụng. Do như vậy nên ba ông đương nhiên ngả về vượng suy pháp của Nhậm Thiết Tiều thôi. Đại sư cũng là phàm nhân, khi học tập đều theo thói thường, khuynh hướng ở tác phẩm chủ đề rõ ràng, lý luận rành mạch.
Sự khác biệt lớn của đại sư và người thường khi học Dịch là họ có độ nhạy cảm đối với Dịch học, thiên tính này của họ loáng thoáng cảm giác rằng cách cục pháp nhất định là thứ hay, chỉ có điều nhất thời chưa hiểu lắm, nên không thể bỏ qua. Cứ như vậy sau khi hấp thu vượng suy pháp của Nhậm Thiết Tiều xong thì cũng bảo lưu cách cục pháp, hình thành nên phương pháp luận mệnh lấy vượng suy chủ đạo cách cục. (cách cục pháp và vượng suy pháp là hai hệ thống luận mệnh khác nhau, lấy lý luận vượng suy pháp chỉ đạo cách cục đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho từ nhà Thanh về sau cách cục pháp hoàn toàn đi chệch hướng.)
Cách cục pháp trong hệ thống luận mệnh của ba ông kỳ thực chỉ là một thứ phụ thuộc, thường chỉ có tác dụng gọi tên cho bát tự, giống như tên người thì không liên quan cát hung vậy; cũng thường dùng như vũ khí để khỏa lấp lúc vượng suy pháp không cách nào giải thích được cát hung họa phúc của mệnh cục. Kỳ thực ai tinh ý sẽ thấy rõ, cách cục giống như "gân gà" của ba ông vậy, ăn thì dở mà bỏ thì tiếc, lấy làm vật bài trí cho rồi. Ba vị tiền bối tung hoành Dịch đàn mấy mươi năm, quyết định hướng đi của mệnh học từ thời Dân quốc đến nay, để lại nhiều tác phẩm ảnh hưởng sâu sắc. Thử hỏi, từ Dân quốc về sau người nào có chút văn hóa, có tâm cầu tiến, mấy ai không đọc sách của ba ông ? Sách mệnh lý xuất bản hầu hết là của ba ông hoặc học giả hậu học trưởng thành đi theo sau ba ông biên soạn, thế thì làm sao không bị học thuật của ba ông ảnh hưởng ? Nhất là Từ Lạc Ngô tiền bối, rất là dụng tâm lương khổ, muốn cho hậu học đều có thể đọc hiểu cổ thư nên bèn "các kinh ta chú thích hết", vô luận sách mệnh lý phái nào sau khi ông chú xong cũng đóng lên cái dấu ấn vượng suy pháp, như cuốn "Tử bình Chân Thuyên" chuyên luận cách cục sau sự nỗ lực của ông đã bị biến thành phương pháp phụ thuộc của vượng suy pháp - vượng suy cách cục pháp. Kỳ thực con đường học tập mệnh lý rất hẹp, chủ yếu chỉ hai đường, manh phái và phái sáng mắt. Manh phái chỉ truyền người khiếm thị. Phái sáng mắt cơ bản là không có sư thừa, chủ yếu lấy sách làm thầy, hoặc có thể nói sư phụ của sư phụ chúng ta là sách. Hễ đọc sách thì không thể không đụng ba vị tiền bối này, nói trắng ra là sư phụ của hầu hết người sáng mắt chính là ba ông Viên, Vi, Từ.
Và như vậy vượng suy pháp đã trở thành chủ lưu, thậm chí là pháp môn có một không hai lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.
Trăm năm mệnh lý què quặt (tt)
4. Giới thiệu đôi nét về vượng suy pháp và cách cục pháp
Chúng ta đã rất quen thuộc vượng suy pháp rồi, chính là lấy nhật chủ làm trung tâm, định ra sự vượng suy cường nhược của nhật chủ và thập thần, sau đó dùng phép tắc cân bằng định ra hỉ kỵ, đoán cát hung.
Bộ phận quan trọng nhất của vượng suy pháp là định vượng suy của nhật chủ chính là thân vượng thân nhược, sau đó xác định nhật chủ hỉ gì, kỵ gì. Thường thì thân vượng cần khắc, tiết, hao để cân bằng, hỉ Tài Quan Thực Thương; thân nhược cần sinh phù để cân bằng, hỉ Ấn Tỷ.
Cường thì ức (chế), nhược thì bổ, thuận thế hóa tiết, thông quan điều hậu, là nguyên tắc chọn dụng thần tối cơ bản.
Cách cục pháp luận mệnh dùng chủ khí trong mệnh cục làm trung tâm (thần nắm lệnh của tháng là chủ khí của trời, thập thần tích cực nổi trội nhất trong thiên can là chủ khí của đất), lập hướng, định cách cục, luận thành bại, thành cách thì quí, thành cục thì phú, không thành cách cục đều là người bình thường.
Làm thế nào để đoán định thành bại của cách cục, chủ yếu phải xem lập hướng điểm có thông qua được 3 cửa quan là hộ vệ, thật giả, thanh thuần hay không. Chỉ có 3 cửa quan đều thông qua thì mới tính cách cục được thành lập, không quí thì phú. 3 cửa chỉ cần 1 cửa không thông qua thì luận là không thành cách cục, án tình huống cụ thể phân làm 3 loại bán thành phẩm, thứ phẩm và phế phẩm, lấy tiêu chí này đoán định ngoài đại quí đại phú ra (đã thành cách cục) thì còn có các tầng thứ khác, hoặc tiểu phú quí, hoặc có thành tựu, hoặc bình phàm, hoặc là đồ bỏ đi, rõ ràng đâu ra đấy.
Cái gọi là 3 cửa quan : Hộ vệ, thật giả, thanh thuần, được biểu thuật như sau.
Hộ vệ : Tức là thập thần lập hướng (thập thần lập cách cục) xung quanh có hình thành một cơ chế bảo vệ hoặc ức chế hoàn thiện hay không. Lấy nguyên tắc hộ vệ hung thần thì nghịch dụng, cát thần thì thuận dụng để phán đoán thành bại. 4 hung thần : Sát, Thương, Kiêu, Kiếp cần chế cần hóa, như Thương Quan cần gặp Tài hoặc Ấn, Thất Sát cần gặp Thực hoặc Ấn hoặc Thương Nhận hợp Sát ; 4 cát thần : Tài, Quan, Ấn, Thực cần được sinh và hộ vệ, như Quan tinh cần gặp Tài hoặc Ấn, Ấn tinh cần gặp Quan hoặc Tỷ. Cát hung thần chỉ khi đã cụ bị cơ chế hộ vệ và ức chế này mới có thể kiện khang và thành tựu, và mới có thể là vật hữu dụng cho ta.
Lúc luận cách cục, hộ vệ là tối quan kiện, chúng ta chớ cho rằng thân vượng gặp Tài, Sát thì có thể thăng quan phát tài. Bạn đầu tiên phải tính : Tài này tự thân nó có an toàn, kiện khang hay không ? Sát này có thể thuần phục làm vật hữu dụng cho ta không ? Đơn lẻ chỉ mỗi thập thần thì nó chỉ là "nguyên liệu" mà thôi, chỉ khi qua sự tổ hợp hợp lý mới thành hình, tức biến thành "thành phẩm", tức Tài là tài phú, Quan là địa vị.
Ví dụ 1: Càn tạo: Giáp Dần-Đinh Mão-Ất Sửu-Ất Dậu
Đại vận: Tân Mùi Lưu niên: Kỷ Sửu
Thân vượng Kiếp vượng, vượng suy pháp nhất định sẽ cho rằng địa chi Sát có Tài sinh có thể dùng được, nhưng trên thực tế vấn đề xảy ra ngay chỗ Sát này. Thất Sát là hung thần, không có chế hóa mà lại có nguồn; mà xung quanh nhật chủ không có Ấn tinh hộ vệ, Thực Thần thì yếu nên khó dùng, không hề có chút lực để kháng kích Thất Sát, điềm đại hung. Đại vận Tân Mùi Sát thấu, ứng kỳ đến, lưu niên Kỷ Sửu bị ung thư không chữa khỏi mà chết.
Ví dụ 2: Khôn tạo: Canh Tý-Quí Mùi-Canh Tý-Canh Thìn
Vượng suy pháp nhất định sẽ cho rằng mệnh này thân vượng. Thương Quan đắc dụng nên mệnh chủ rất thông minh. Dùng cách cục pháp mà nói, sau Tiểu Thử 4 ngày thì Đinh hỏa nắm lệnh, Quí thủy Thương Quan che đầu, mà Tý Thìn củng thủy, Thương Quan quá vượng. Thương Quan là thập thần lập cục. Thương Quan là hung thần, gặp Tài và Ấn mới tính là chế hóa thành công. Hiện ở thiên can chẳng những không có thần hộ vệ, còn có 2 Tỷ Kiên tương sinh, hung thần Thương Quan ngông nghênh, tất sẽ làm chuyện xấu. Khí nắm lệnh là Chính Quan bị Thương Quan khắc phá, dự báo đây là hung mệnh.
Mệnh chủ bước vào vận thứ 2 là Nhâm Ngọ bị sốt đến độ hoại não, trở thành người thiểu trí. Chắc qua 2 ví dụ trên các bạn chắc đã nhận thức tầm quan trọng của hộ vệ.
Thật giả: Tức là vấn đề căn khí và lực của thập thần hộ vệ. Có căn gốc tức có lực, là thật; không có căn gốc thì vô lực, là giả.
Thanh thuần: Tức là vấn đề đơn nhất hay đa hiện của thập thần lập hướng (thập thần lập cách cục). Chỉ có một là thanh thuần, âm dương cùng hiện 2 bên hoặc âm âm, dương dương song hiện ở 2 bên là tạp trọc (năm tháng là một bên, giờ là một bên). Như Quan Sát hỗn tạp, Thực Thương cùng hiện, Ấn Ấn song thấu, đầu là tạp trọc. Cách cục pháp luận mệnh, nói đơn giản thì rất đơn giản, chính là trước tiên phải tìm chủ khí lập hướng (lập cách cục), sau đó xem nó có thông qua 3 cửa quan hộ vệ, thật giả, thanh thuần hay không, thông qua thì thành cách cục đại phú đại quí, không qua thì thành người phổ thông
Trăm năm mệnh lý què quặt (tt)
Trong các giai tầng xã hội. Phú quí bần tiện, cát hung họa phúc chỉ một chốc là rõ ngay. Mức độ khó của nó ở chỗ tìm đúng trung tâm điểm để luận mệnh, hoặc gọi là lập hướng điểm hoặc lập cách cục điểm.
Trên lý luận nói dễ tìm, không phải thần nắm lệnh của tháng thì là thập thần nào hoạt động tích cực nhất trên hàng can, nhưng trên thực tế vận dụng có một số mệnh cục do nhân tố tổ hợp, chủ khí của lệnh tháng hoặc là bị phá hoại hoặc bị hợp hóa hoặc bị che lấp mất nê không dùng được; thập thần hoạt động tích cực nhất trên hàng can phải tính tới vượng suy, cát hung thần, thập thần ý hướng v.v...cho nên cũng không phải ngó sơ một cái mà xác định được. Ưu thế lớn nhất của vượng suy pháp ở chỗ trung tâm điểm là cố định khỏi cần tìm, nhật chủ chính là trung tâm điểm luận mệnh, đơn giản thế đấy, cho nên rất được người mới học ủng hộ.
Vượng suy pháp và cách cục pháp có 3 điểm lớn khu biệt với nhau:
A. Trung tâm điểm luận mệnh (thái cực điểm) không giống nhau.
Vượng suy pháp lấy nhật chủ làm trung tâm điểm luận mệnh, cách cục pháp lấy chủ khí của trời và đất làm trung tâm điểm luận mệnh. Trên thực tế là sự khác biệt cực lớn của 2 loại nhân sinh quan, nhân sinh lấy "ta" làm trung tâm, hay là lấy "tự nhiên trời đất" làm trung tâm.
B. Lối suy nghĩ luận nhân sinh thành bại không giống nhau.
Vượng suy pháp lấy vượng suy cân bằng luận nhân sinh thành bại cát hung. Cách cục pháp lấy cách cục luận nhân sinh phú quí bần tiện.
C. Nhận thức đối với thập thần không giống nhau.
Vượng suy pháp đối với thập thần chỉ bàn hỉ kỵ, không luận cát hung. Phù hợp nguyên tắc vượng suy cân bằng thì là cát, chính là Sát, Kiêu. Thương, Kiếp cũng là là hỉ; không phù hợp nguyên tắc vượng suy cân bằng thì là hung, dù là Tài, Quan, Ấn, Thực cũng là kỵ với ta.
Cách cục pháp đối với thập thần có sự phân biệt cát hung rõ ràng, hơn nữa còn nghiêm ngặt án theo nguyên tắc thủ dụng hung thần thì nghịch dụng, cát thần thì thuận dụng.
Cho nên vượng suy pháp và cách cục pháp là 2 hệ thống luận mệnh hoàn toàn không giống nhau, tối kỵ dùng lẫn với nhau. Dùng lý niệm của vượng suy pháp đi bình cách cục thì thật nực cười. Cũng giống như vậy mà dùng tư tưởng của cách cục pháp đi luận vượng suy thì cũng tréo nghoe.
5. Tính cục hạn của vượng suy pháp, cách cục pháp nguyên nhân đi chệnh hướng của nó
Vượng suy pháp và cách cục pháp là 2 phương pháp luận mệnh độc lập, chúng có thể lưu truyền tới ngày nay, đặc biệt là vượng suy pháp trở thành chủ lưu của luận mệnh thì tất nhiên phải có chỗ độc đáo của nó. Đồng thời, 2 phương pháp này luôn bị người ta chất nghi và phê phán thì chắc chắn có tồn tại không ít khuyết điểm. Một phương pháp mà có thể lưu hành được đương nhiên là phải có sự hợp lý, một phương pháp hay bị phê phán thì cũng phải có nguyên nhân. Chúng ta tĩnh tâm lại tìm thử nguyên nhân ở đâu.
(A) Ưu điểm của vượng suy pháp
Phương pháp vượng suy cân bằng lấy nhật chủ làm trung tâm, khi luận đoán những phương diện như mệnh chủ tính cách, chủ quan năng động tính, phương thức của hành vi, tình hình sức khỏe, hôn nhân gia đình thì rất thiện nghệ, chẳng những dễ học mà tính chính xác rất cao; đối với phú quí bần tiện, cát hung họa phúc cũng có thể xem được đại khái.
Những ưu thế kể trên đủ để người mới học phục lăn, tự nhiên đối với vượng suy pháp nảy sinh cảm giác tin tưởng và tin phục, còn đối với những hạng mục như tầm mức của phú quí bần tiện và sự biến hóa của nó, sự lớn nhỏ của cát hung họa phúc và ứng kỳ của nó thì luôn cho rằng đấy là thứ cao cấp trong mệnh lý, theo sự nâng cao trình độ dần dần của mình thì nhất định sẽ có thể giải quyết, không hề nghi ngờ chút nào tính cục hạn của vượng suy pháp. Vượng suy pháp chỉ có ưu thế ở vài phương diện như nêu trên cũng đủ làm người học bình thuờng tự thấy vui rồi, dù gì mục đích học mệnh lý của đa số người không phải lấy nó làm nghề mà chỉ đơn thuần là sự ham thích.
(B) Khuyết điểm lớn nhất của vượng suy pháp
a. Lấy nhật nguyên làm trung tâm luận phú quí bần tiện, cát hung họa phúc.
Đặc điểm lớn nhất của vượng suy pháp luận mệnh là dùng nhật nguyên làm trung tâm tiến hành toàn diện luận mệnh, sự phú quí bần tiện, thọ yểu cát hung, biến hóa trồi sụt, tất tần tật đều lấy đó làm trung tâm. Chúng ta phải nhận thức rõ: Trong cuộc sống hiện thực,là "ta" ảnh hưởng, cải tạo tự nhiên và xã hội, hay là "ta" bị tự nhiên và xã hội ảnh hưởng, cải tạo. Nói đơn giản một chút, trong cuộc sống thực tế, "ta" là trung tâm của xã hội hay là xã hội là trung tâm của "ta". Lý lẽ rõ là: Con người cực nhỏ bé trong thế giới tự nhiên, con người là một bộ phận nhỏ trong xã hội. Chúng ta thường bị tự nhiên xoay chuyển, thường bị trào lưu xã hội dắt mũi. Chúng vì cuộc sống mà hàng ngày xoay tròn quanh công việc, quanh sự nghiệp. Chúng ta có nhà có xe, nhưng phải làm để trả tiền nhà tiền xe. Chúng ta cả đời muốn thay đổi người khác, đến cuối cùng ngay đến con cái nó cũng chẳng thèm nghe ta. Chúng ta nỗ lực thay đổi mệnh vận, đến cuối cùng cũng phải tin là con người có mệnh. Chúng ta tin rằng "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", đấu tranh kháng lại tự nhiên, kết cục cuối cùng là kính úy tự nhiên, nhận ra thuận theo tự nhiên, vận dụng tự nhiên thì nhân loại mới hòa hợp hòa hợp vạn thế, di dưỡng thiên niên.
Phương pháp luận mệnh vượng suy lấy nhật chủ làm trung tâm đi ngược với qui luật tự nhiên, không phù hợp hiện thực xã hội, đã sai ngay từ lập hướng điểm lúc ban đầu. Đây là chỗ sai lớn của vượng suy pháp. Nó chỉ có thể suy đoán những tượng thuộc tự nhả, như tính cách, hành vi, hôn nhân, sức khỏe, mà đối với chủ tượng của nhân sinh, chúng ta thường nói là mối quan hệ giữa con người và xã hội, cũng chính là phú quí bần tiện, cát hung họa phúc, thì không hề với tới.
Trăm năm mệnh lý què quặt (tt)
b. Thập thần chỉ phân hỉ kỵ, không phân cát hung.
Thập thần trong bát tự là hình tượng miêu tả hoặc đại biểu cho các loại nhân vật sự kiện
Khí có âm dương, người có thiện ác, vật có đẹp xấu, thế thì thập thần đại biểu cho nhân vật và sự kiện làm sao không thể có sự phân biệt thiện ác ? Đây phải là điều cơ bản của mệnh lý, nếu thập thần không phân chia thiện ác thì chỉ ngũ thần là đủ, cổ nhân khi xưa tiếc chữ như vàng cớ gì phải làm ra thêm 5 thần dư thừa như vậy ?
Chỉ cần là người có dụng tâm học qua mệnh lý đều biết, Thương Quan, Thất Sát, Kiêu Thần, Kiếp Tài chỉ cần vượng mà không có chế hóa, không hợp trói thì dù cho có là dụng thần vượng suy cũng khó nên thành tựu gì, và chuyện rắc rối theo sau nó cũng không ít.
Thất Sát đoạt mệnh, Thương Quan thương thân gây chuyện, Kiếp Tài tranh danh đoạt lợi, Kiêu Thần chuyên giật chén cơm, có cái nào mà không phải châm đối sự kiện khang và phú quí của nhật chủ đâu, nếu không phân cát hung thì đời người đâu có nhiều hung tai hoành họa lắm thế.
Cử 2 ví dụ để đơn giản nói rõ.
Ví dụ 3: Càn tạo: Ất Hợi-Kỷ Sửu-Giáp Thìn-Ất Hợi
Bát tự này nhìn giống như thân Tài lưỡng đình, dùng vượng suy pháp xem thì mệnh này tốt. Dùng cách cục pháp xem, dùng Chính Tài cách luận thành bại, cát thần Chính Tài cần có Quan Sát hoặc Thực Thương hộ vệ, hiện thời thì không thấy dụng thần Quan Sát, Thực Thần nào cả, đã thế còn có 2 Kiếp Tài tọa vượng đến khắc, chẳng những không thành cách mà còn bị phá tổn nghiêm trọng. Phú quí thôi đừng mơ nữa, cát thần nắm lệnh bị phá, cách bị phá bởi hung thần Kiếp Tài không có chế hóa, tất là người có tai nạn lớn. Mệnh chủ là người cực kỳ nghèo, sau do sự cố trong lúc mưu sinh mà mất đôi cánh tay, phải đi làm ăn mày. Kiếp Tài là đệ nhị ác thần trong 4 hung thần, cực hung hãn, là cường đạo chuyên môn đoạt Tài, không có Tài thì đoạt mệnh.
Ví dụ 4: Càn tạo: Đinh Dậu-Quí Mão-Nhâm Ngọ-Canh Tuất
Đại vận: Mậu Tuất
Lưu niên: Mậu Tý
Mệnh này Thất Sát có nguồn ám tàng, trong kết cấu thì Thất sát không bị chế, Sát cơ trùng trùng, đại vận thấu Sát sẽ là ứng kỳ. Vận Mậu Tuất, năm Bính Tuất bị ung thư ruột, năm Mậu Tý không chữa khỏi mà chết. Thất Sát không bị chế, không hợp trói, chỉ cần có lực và có nguồn thì tất sẽ công thân. Thiên can chỉ hung tai hoành họa có tính bất thình lình, địa chi chủ ác tật tuyệt chứng, điều này ít khi không ứng nghiệm. Vượng suy pháp không phân thập thần cát hung, xem thì đơn giản, thực tế thì đã chặn mất nửa con đường dự đoán, càng đi càng hẹp.
c. Không phân âm dương, không quản đục trong.
Vượng suy pháp luận mệnh chỉ bàn sự cân bằng của lực lượng, không bàn hỗn tạp đục trong. Có lúc cũng ngờ rằng những người quá thiên về vượng suy có phải họ sống trong chân không ? Hiện thực cuộc sống mỗi ngày cho chúng ta biết: Người mà trong cuộc sống, công việc, hành vi hỗn tạp vô trật tự sẽ không có thành công và hạnh phúc thực sự. Luận mệnh xem mức độ của phú quí bần tiện, đặc biệt phải chú ý thanh thuần, tạp đục. Một trong những biểu hiện của tạp đục là âm dương thập thần phân lập mệnh cục làm 2 bên, như Quan Sát, Thực Thương. Âm âm, dương dương cùng hiện cũng là một loại của tạp đục, có điều ảnh hưởng đến mức độ phú quí ít hơn. Hỗn tạp là sự tạp loạn vô trật tự của khí, không có ảnh hưởng phương hướng, càng không có lực lượng duy trì. Thể hiện trên tính cách là không có chủ kiến, do dự không quyết; thể hiện trên hành vi là không muốn làm gì cả, không muốn đi sâu thâm nhập cái gì; thể hiện trên tình cảm là bắt cá hai tay, tình cảm không chuyên nhất. Kết quả là nhất sự vô thành, còn hai bàn tay trắng.
Thường người ta hay nói: "Bá nghệ bá tri, vị chi bá láp", chính là chỉ kết quả của Thực Thương hỗn tạp.
Phụ nữ mệnh có Quan Sát hỗn tạp thì ai cũng biết là hôn nhân trắc trở, một là đàn ông theo đếm không hết, hai là khó ở mãi với một ông chồng.
Mệnh nam giới mà Quan Sát hỗn tạp thì khó có nghề nghiệp ổn định đàng hoàng, thuộc giới tam giáo cửu lưu. Hỗn tạp không thanh (trong), cách cục pháp luận mệnh cho là không cát, ít ra cũng làm giảm tầm mức của cách cục. Vượng suy pháp luận mệnh chẳng những không kỵ hỗn tạp, khi thân vượng còn mừng Quan Sát hỗn tạp, bởi vì phù hợp yêu cầu cân bằng, nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không phải vậy. Những ví dụ như vậy rất nhiều, lấy ngay bát tự của tôi và bát tự cùng năm tháng ngày nhưng khác giờ của bạn học của tôi làm một so sánh.
Ví dụ 5: Càn tạo: Quí Sửu-Ất Mão-Bính Ngọ- Đinh Dậu
Ví dụ 6: Quí Sửu-Ất Mão-Bính Ngọ-Nhâm Thìn
Theo vượng suy pháp luận mệnh thì nhật chủ của hai người đều rất vượng, nhật chủ hỉ gặp Quan Sát cùng đến chế ngự. Vd (6) hiển nhiên ngon hơn vd (5) nhiều. Thực tế thì lại không phải như vậy. Cách cục pháp giải quyết mối nghi hoặc này khá dễ. Vd (6) Ấn cục dụng Quan, mà Quan Sát lại hỗn tạp, cục không thành. Cho nên mới khó chuyên tâm theo đuồi công việc tính chất Ấn và bị thất nghiệp, chỉ đi làm thuê. Vd (5) Ấn cục dụng Quan, Quan tinh thanh mà không tạp, thành cục. Có điều Quan tinh bị ám thương, cục có tì vết. May mà có thể chuyên tâm theo nghề nghiệp thuộc Ấn. Khí phân trong đục thì mới hiện rõ sự trật tự và tạp loạn; tình cảm phân trong đục thì mới thấy chuyên nhất và lăng nhăng; người phân trong đục thì mới có phú quí và bần tiện. Thiên địa nhân nào có phải thứ khác, luận mệnh sao không thể phân trong đục ?
d. Sử dụng thập thần, nhầm coi nguyên liệu là thành phẩm.
Vượng suy pháp luận mệnh, đem cá thể Tài, Quan, Ấn làm tượng trưng cho giàu có, địa vị, quyền lực. Tài tức tiền tài, vật chất, Quan tức quan chức, địa vị, Ấn tức phúc khí, chỗ dựa. Kiểu lý luận như vậy thường dẫn đến kết luận và hiện thực không khớp. Mệnh có thân vượng Tài vượng mà không giàu, thân vượng Quan vượng mà không quí rất nhiều. Kỳ thực đơn lẻ thập thần như Tài Quan Ấn đều chỉ là một loại nguyên liệu cho phú quí mà thôi, không phải thành phẩm của phú quí. Những nguyên liệu phú quí này có thể trở nên phú quí thật sự hay không, cũng tức là sự giàu có, địa vị, vinh dự, thế thì phải xem chúng có thể thành tài được không.
Thế nào gọi là thành tài ? Chính là có một cơ chế bảo hộ hoàn thiện, như gặp Tài thì xem Quan, thấu Quan xem Ấn, gặp Ấn xem Quan, chỉ khi tự thân phối hợp hoàn thiện mới tính là thành tài, nếu nhật chủ thực sự có thể được như vậy mới tính là phú quí.
Ví dụ 7: Càn tạo: Quí Hợi-Quí Hợi-Mậu Thìn-Kỷ Mùi
Ví dụ 8: Càn tạo: Quí Hợi-Quí Hợi-Mậu Thìn-Mậu Ngọ
Hai bát tự này chỉ khác mỗi giờ sinh, quĩ tích của nhân sinh cũng khá giống. Hai người đều thân vượng Tài vượng, vd (8) Thìn Ngọ giáp Tị, Tỉ Kiên cũng vượng, Mậu Quí hợp, thế đoạt Tài rất lớn. Bát tự như vậy có phải rất giàu không ? Tài ở đây không thể xem là tài phú sau khi "thành tài", bởi vì nó đã không có Quan Sát chế Tỉ Kiếp, cũng không có Thực Thương tiết Tỉ Kiếp để hộ vệ, Tài này tự thân nó cũng khó bảo toàn thì còn có thể xem là tài phú cho mình được chăng ? Kiểu Tài không nguồn không hộ vệ này lúc nào cũng bị Tỉ Kiếp uy hiếp là tượng thương thân lao lực. Do đó cả hai người đều là người bình thường, vd (8) còn bị thương tai phá tài liên miên, ngón tay đã bị tàn tật.
Trăm năm mệnh lý què quặt (tt)
(C) Nguyên nhân làm vượng suy pháp tẩu hỏa nhập ma
Cách luận mệnh vượng suy cân bằng lấy nhật chủ làm trung tâm quả thực có thể nhanh chóng suy đoán chính xác không ít chuyện, như tính cách, sức khỏe, hôn nhân như đã nói ở trên. Những thứ này đều là việc cá nhân, bản thân của nhật chủ, lúc luận đoán nhất định phải lấy nhật chủ làm trung tâm, vừa vặn phù hợp lý luận suy đoán lấy nhật chủ làm trung tâm của vượng suy pháp, cho nên tỷ lệ chính xác rất cao. Suy đoán chuyện quá khứ của bản thân hoặc việc bên ngoài bản thân như: giàu có, địa vị, vinh dự, công việc, sự nghiệp, v.v... thế thì không phải lấy nhật chủ làm trung tâm nữa, mà là lấy chủ khí trong mệnh cục làm trung tâm điểm, hoặc thần nắm lệnh hoặc thập thần tích cực nhất trên hàng can làm trung tâm.
Vượng suy pháp lấy nhật chủ làm trung tâm, do có ưu thế suy đoán việc trong nội bản thân nên bị ngộ nhận là suy đoán tất cả sự vật trong đời người đều có thể lấy nhật chủ làm trung tâm, phạm sai lầm lấy cái thiên lệch làm cái toàn bộ, hoặc tự ngã ý thức bành trướng đến không có điểm dừng. Loại sai lầm như vậy thực ra không ít vị dẫn dắt vượng suy pháp đã biết từ trước, chỉ có điều bởi lý do tự thân lợi ích hoặc là không tìm ra được một phương pháp luận mệnh tốt hơn nên chìm đắm vào nó không ra được, cứ như vậy càng lúc càng sa lầy, li khai Tử Bình mệnh học càng lúc càng xa.
(D) Cục hạn tính của cách cục pháp
Cách cục pháp chủ yếu luận tầm mức của nhân sinh và sự biến hóa của thành bại được mất, còn về tính cách, sức khỏe, hôn nhân, lục thân, v.v... thì lại không phải sở trường. Tuy nhiên lúc dùng cách cục đoán mệnh, có lúc cũng có thể đoán trúng hơn nửa tình trạng sức khỏe, hôn nhân, nếu đóan trúng nhiều thì cũng là xảo hợp, không phải tất nhiên, cũng giống như vượng suy pháp cũng có lúc đoán trúng tầm mức phú quí cùa nhật chủ vậy.
Tử Bình mệnh học là môn học vấn chuyên bàn thiên đạo, địa đạo, nhân đạo, lấy cách, cục, tượng để thể hiện. Cách cục pháp chủ yếu luận thiên đạo và địa đạo, cũng chính là luận cách và cục. Cách, để xem quí tiện; cục, để xem giàu nghèo. Thành cách thành cục, phá cách phá cục chủ về sự biến hóa của cát hung, thành bại, được mất, các phuơng diện nhân sinh sự vật hình tượng khác thì không thuộc cách cục cai quản, nếu cứ muốn nhất định phải dùng lý luận cách cục pháp, có một số việc cũng giải thích được, có điều như vậy rất dễ phạm sai lầm giống như vượng suy pháp, hiện thời có không ít vị học cách cục pháp đã dính vô sai lầm tự ngã ý thức bành trướng rồi !
Tại sao phải học hết sở trường các pháp, chẳng qua bởi vì mỗi phương pháp tự thân nó đều có tính cục hạn. Thay vì tốn bao tinh lực đi bù vá khuyết hãm của mình, chi bằng sau khi làm mạnh ưu thế tự thân mình xong, dùng ít thời gian đi học thêm chỗ hay của người khác. Kiểu lấy dài đắp ngắn này vừa đỡ mất công sức vừa nhanh, đó mới là đường lối học tập đúng của chúng ta.
(E) Một sai lầm của cách cục pháp
Cách cục, là cái sườn, kết cấu tổ chức của bát tự. Nếu nói vượng suy pháp và tượng pháp là "da" thì cách cục phải xem là "xương".
Hiện nay cách cục pháp không dễ học, nguyên nhân chủ yếu là do chỗ sai quá nhiều, đem những cách, cục, tượng rất đơn giản làm cho phức tạp lên, thậm chí còn gom cách, cục, tượng vô làm một, cũng chính là kiểu tự ngã bành trướng cách cục pháp là tất cả. Điểm sai lớn nhất của cách cục pháp là cho rằng cách cục và nhật chủ vượng suy là vô quan, cho rằng cách cục khẳng định sự phú quí và thành tựu, cơ bản là không dùng nhật chủ vượng suy. Trên thực tế luận mệnh nhất định không phải như vậy, cái khác không nói, tạm nói Tài cách vậy, Tài là cát thần, điều kiện thành cách của nó là phải gặp Thực Thương và Quan tinh đến hộ vệ, kị gặp Tỉ kiếp và Ấn tinh, chỉ khi Tài tinh song thấu làm đục cục mới cần Tỉ Kiếp khử đi. Thế nhưng khi bạn xem "Tử Bình Chân Thuyên" và một số sách cách cục, luận đến thủ dụng Tài cách, hễ thân nhược Tài vượng thì phần lớn lấy Ấn Tỉ làm dụng thần, thế là có những cách quái đản như Tài cách phối Ấn, Tài cách dụng Tỉ, tự mâu thuẫn với Tài cách luận thành bại luận đã nói ở trước.
Chẳng phải đã nói cách cục pháp không bàn nhật chủ vượng suy hay sao ? Chẳng phải đã nói điều kiện Tài cách thành công là gặp Thực Thương và Quan tinh hay sao ? Bây giờ tài tinh lại song thấu, thế tại sao phải lấy Tỉ Kiếp và Ấn tinh mới thành cách ? Kỳ thực mục đích lấy Ấn tinh và Tỉ Kiếp không phải để hộ vệ Tài tinh mà là để sinh phù nhật chủ, để nhật chủ có năng lực gánh nổi Tài. Tử Bình mệnh học chân chính, nguyên bản chính là sự hài hòa thống nhất của cách cục pháp và vượng suy pháp, lấy cách cục làm chủ, vượng suy làm phụ, lấy nhật chủ làm thể, cách cục làm dụng, chẳng những phải tìm cách cục dụng thần mà còn phải xem thể dụng thần. Đàm luận cách cục, mục đích tối cùng không xa rời mối quan hệ giữa cách cục và nhật chủ, hà tất phải phủ nhận nhật chủ vượng suy?
6. Mệnh lý chỉ khi dùng hai chân mà đi thì mới đi được xa
Môn học âm dương, cho dù là phong thủy hay là tứ trụ, chỉ cần là cái học chân chính thì nhất định phải dùng 2 chân để đi, 1 chân cũng có thể đi nhưng cô âm thì không sinh, độc dương thì không trưởng, đi không được xa, được lâu là vậy. Võ học cái thế đều phân nội công và ngoại công, nội luyện hơi thở, ngoại luyện gân cốt bì, mục đích là để bản thân đạt cảnh giới thủy tạt không vô, đao thương bất nhập. Mệnh học cũng vậy, phân hai hệ thống thể và dụng, cách cục pháp lấy thiên địa chủ khí làm chủ và tượng pháp (bao gồm vượng suy) lấy nhật chủ làm trung tâm, chỉ cần hai pháp trên dung hợp mới có thể định được tầm mức nhân sinh, lại có thể đoán được chuyện lẻ tẻ trong đời người, thiên địa nhân, cách cục tượng, có hết ở trong ấy.
(Vương Khánh)
Cung cấp thêm một số link blog tiếng Hoa:
1. Hoàng Đại Lục Blog: 黄大陆BLOG (http://blog.sina.com.cn/s/articlelist_1297037097_0_1.html)
2. Vương Khánh blog : 王庆 (http://blog.sina.com.cn/s/articlelist_1962606534_0_1.html)
3. Hồ Nhất Minh : 胡一鳴 blog (http://tw.myblog.yahoo.com/h3359693/) hoặc 胡一鸣 (http://h3359693.blog.sohu.com/)
4. Ngụy Đa Lượng bình chú Trích Thiên Tủy : 滴天髓评注 (http://blog.sina.com.cn/s/articlelist_1687239863_14_1.html)
Bài dịch của đại ca Durobi , dịch từ nguồn blog của Vương Khánh, ngày 06/04/2011.
百年瘸腿命理 作者 王庆 (http://blog.sina.com.cn/s/blog_74faffc60100q8p0.html) : http://blog.sina.com.cn/s/blog_74faffc60100q8p0.html
Trước hết xin nhắc lại là cám ơn Durobi đã dịch 1 bài bổ ích cho việc nghiên cứu học hỏi.
Sau nữa cũng xin nhắc lại phản hồi của tôi là "Bài của Vương Khánh viết từ năm 2011, may ra cho đến nay có gì bổ sung mới hoặc sửa lại chăng?" Bởi vì, thực sự thì phân định tách rời 2 "trường phái" cũng không phải là gì gay go thái quá, lý do rằng ai ai cũng biết luận Cách Cục không hề bao giờ tách rời luận tứ trụ vượng hay nhược, như đoạn đầu VK viết, trích lại dưới đây. (Tiêu đề thì hơi quá căng thẳng; các bạn mới nhập môn chắc ít nhiều rất rối trí!)
Phương pháp luận mệnh từ nhà Thanh về trước hầu hết dùng cách cục làm chính, kiêm cố thêm nhật chủ vượng suy, đi bằng hai chân cách cục pháp và vượng suy pháp. Điều này thể hiện rõ rành rành trong những kinh điển như "Uyên Hải Tử Bình", "Tam Mệnh Thông Hội", "Tích Thiên Tủy".
Chữ "pháp" trong "cách cục pháp" và "vượng suy pháp" chỉ là phép tính toán, suy luận, chứ không phải là "trường phái".
Từ đó về sau, Tử Bình mệnh học không còn hoàn chỉnh nữa, hễ dùng cách cục thì không nhắc tới nhật chủ vượng suy, hễ trọng thị vượng suy thì khinh thị cách cục thành bại.
Câu này thì Vương Khánh nhầm lẫn, làm gì có người không có ý thức dùng Cách Cục rồi quên đi Vượng Suy? Khả dĩ có người dùng ngược lại thì đúng hơn, tức là chỉ chú trọng đến Vượng Nhược của thân nhật chủ mà không hề dùng đến Cách Cục.
"Tam Mệnh Thông Hội", "Uyên Hải Tử Bình" quá là bao la phức tạp, "Thần Phong Thông Khảo" thì hệ thống chưa đủ sự tinh luyện, chỉ có "Tích Thiên Tủy Xiển Vi" do Nhậm Thiết Tiều chú và "Tử Bình Chân Thuyên" của Thẩm Hiếu Chiêm là chủ đề rõ ràng, luận thuật tường tận, nên sự ảnh hưởng đến ba vị tiền bối là rất rõ. Nhậm Thiết Tiều dùng vượng suy pháp lấy nhật chủ làm trung tâm, vừa đơn giản rõ ràng vừa dễ học dễ dùng, phù hợp tâm tính thích đi đường tắt của con người; cách cục pháp của Thẩm Hiếu Chiêm tuy hệ thống cũng khá là tường tận, có điều bên trong đặt quá nhiều cánh cửa, đọc rất hay nhưng rất khó áp dụng. Do như vậy nên ba ông đương nhiên ngả về vượng suy pháp của Nhậm Thiết Tiều thôi.
Đoạn trên thì tôi cũng chẳng hiểu Vương Khánh có đọc hết Thông Thần Luận của Trích Thiên Tủy chưa? Sao lại cho rằng Nhậm Thiết Tiều thuộc "Vượng Suy pháp" (chú ý thuật ngữ này nhắc lại, không phải do tôi)? Những chương Hình Tượng, Phương Cục, Bát Cách, Thể Dụng, Tinh Thần... đều nói rõ luận giải về Cách, sau đó là những chương như Sinh Thời, Suy Vượng... theo sau. Thật là khó hiểu VK! Tới đây thì tôi thấy có ít nhiều mâu thuẫn từ tác giả VK, nên tạm...ngừng!
Tôi vẫn luận cả Cách Cục và Vượng Suy. Xét Cách Cục trước hay tứ trụ vượng nhược trước đều được cả. Nếu gọi là "thể dụng" thì Cách cục xem như là hình thể tứ trụ, còn vượng nhược là dụng sự, tức là với Cách Cục như thế, tứ trụ xét trong tổng thể của nó có "kham" nổi hay không? Hoặc là có, hoặc là không. Không thể nào chỉ xét Cách cục rồi dừng lại ở điểm Dụng thần mà không nói gì đến thân vượng hay nhược. Nếu làm như thế thì giống như bạn sở hữu 1 chiếc xe hơi rất tối tân nhưng lại không biết cách sử dụng vậy.
Cách Cục có điểm xét chính đáng là để biết khi nào tứ trụ cần vượng, khi nào cần nhược, mà trong thuật ngữ gọi là thuận dụng, nghịch dụng. Cả thuận lẫn nghịch đều thành tựu khi chúng được điều hành đúng lúc, đúng chỗ. Có điều là hai chữ "vượng, nhược" của Cách cục không hẳn chỉ là luận có Tỉ Kiếp hay có Kiêu Ấn, mà liên đới tổng hợp nhiều chi tiết khác nhau.
Những thí dụ trong bài viết... khi nào có thì giờ sẽ phân tích thêm sẽ hiểu nhiều hơn.
hihi, thiếu bá cũng dị ứng với tiêu đề bài này. Những người mới tiếp xúc với môn này mà đọc xong bài này chắc thấy nản hoặc là sẽ phân vân chả biết nên học cái nào giữa "vượng suy" hay "cách cục" đây. Thực sự thì như chị kimcuong đã nói: luận mệnh không hề có khái niệm tách rời giữa 2 pháp này.
Một số cổ thư như TTT, UHTB không thấy có sự tách rời giữa 2 pháp này! có chăng khả dĩ có TBCT là nghiêng hẳn về cách cục pháp, còn 1 số sách hiện đại thì đa phần theo vượng suy pháp.
Mong là các bạn cứ vững tâm đọc Trích Thiên Tủy Xiển Vi và Tử Bình Chân Thuyên Bình Chú. Không có gì sai phạm trong những sách này. Một điều cơ bản khi đọc sách thì dĩ nhiên không phải ta lệ thuộc hẳn vào giáo điều của sách, mà chỉ quan tâm vào việc vận dụng tri thức hiểu biết của mình qua mệnh lý như thế nào để hợp với hoàn cảnh của mình.
----------------------------------------------
----------------------------------------------------
Diễn đàn mình có dạy học tử bình ko a.
Đã từ lâu không còn nữa Itheu à. Trước đây thì có cô KC dạy, sau đó không biết cô như thế nào mà không trở lại. Anh em chúng tôi rất mong muốn cô ấy quay về nhưng không thấy.
Qua bài này, cho đến nay tôi mới cảm nhận ra cách luận của Vương Khánh là cần phải phối hợp giữa Cách cục và Vượng suy. Nhưng bài viết của anh ta khi phân tích là chưa nói hết ý.
Cho dù là cách cục hay vượng suy đều thiếu sót rất nhiều. Cho nên, đến nay mọi người hầu như bị tê liệt khi học qua cả 2 phương pháp trên. Chỉ có cách luận theo Thái Cực âm dương mới là chính yếu, suy toán thần kỳ nhưng rất dễ học, chứ không rườm rà như cách cục pháp vì nó trải qua quá nhiều trạm gác, khiến cho người học đến nay không biết cách gì lần ra đầu mối.
Chúng ta đã biết Dịch lý phát nguồn từ Thái Cực sinh ra Nhị Nghi là âm dương, âm dương lại sinh ra Tứ tượng biến hóa theo tứ thời, Tứ tượng lại sinh Bát quái. Như vậy khởi nguồn vẫn là Thái Cực âm dương, còn ngũ hành chỉ là tái thể của âm dương mà ra.
Như vậy, luận mệnh phải bắt nguồn từ Thái cực âm dương, âm dương phân chia Tứ tượng chính là Thiếu dương (mộc), Thái Dương (hỏa), Thiếu Âm (kim) Thái Âm (thủy).
Từ mộc đến hỏa là dương, từ kim đến thủy là âm. Muốn phối hợp thành Thái cực thì phải có đủ âm dương mới thành Thái Cực. Đây chính là nguồn gốc luận mệnh mà không phải lấy cách cục hay vượng suy là tối thượng.
Riêng pháp vượng suy là hoàn toàn sai lầm như chỗ Vương Khánh đã nói.
Chúng ta phải bắt tay từ đây thôi, nếu không, sẽ hoàn toàn lạc vào Mê cung khi luận mệnh.
Gemini rất đồng ý với ý kiến của bác Lesoi, và như ý bác Lesoi thì để vận dụng và xem được bát tự một cách rõ ràng nhất, tiên quyết vẫn phải nắm vững Kinh Dịch, hiếu được biến chuyển đồng thời âm-dương và ngũ hành.
----------------------------------------------------------
.
Vạn vật do âm dương tổ thành, phải cảm ứng âm dương, khí âm dương hài hòa thì cát, khí âm dương bất hòa, chinh chiến thì hung. Câu này là giải thích rõ pháp tắc cát hung của vạn sự vạn vật.
...
Từ 《 Đạo đức kinh 》 có thể biết: Thập thần là quan hệ xã hội, Thập Thần từ thập can mà ra, thập can từ ngũ hành mà ra, ngũ hành từ trời đất mà ra, trời đất từ nhị khí âm dương mà ra, âm dương từ Thái Cực mà ra. Như vậy, mấy tầng lớp bát tự thì có thể thấy rất rõ là: Thái Cực —— Âm Dương —— Tứ Tượng —— Ngũ Hành —— Thập Can —— Thập Thần.
Mong được anh lesoi đưa ví dụ giải thích thêm.
Cám ơn anh.
Việc này, các bạn xem ở topic Hệ thống luận mệnh toàn diện mà tôi vừa đưa lên thì sẽ hiểu.
Powered by vBulletin® Version 4.1.12 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.