PDA

View Full Version : Cái đầu tiệt cước



kimcuong
04-06-13, 13:01
Thuật ngữ "Cái đầu tiệt cước" này chúng ta tìm thấy cơ bản ở Tích Thiên Tủy do Nhâm Tiết Thiều bình chú. Ngoài ra, Hoàng Đại Lục trong blog của mình thỉnh thoảng vẫn dùng các từ này.

Chính thực ra "Cái đầu tiệt cước" là gì?

Hiểu nôm na là "trên, dưới đều bị chặn". Trong chương 28-Tuế Vận, Nhâm Tiết Thiều giải thích rõ:


Nhật chủ là bản thân ta. Trong cục có hỉ dụng thần là ta có thể sử dụng, vận hạn chính là đến nơi chốn ta sử dụng hỉ dụng thần. Cho nên vận hạn rất là quan trọng. Thiên can không nên bị phản khắc, mà được tương sanh tương phù thì rất tốt. Xét vận và 10 năm trong vận là xét trên dưới phản khắc hay không, tức không nên có cái đầu tiệt cước. Bất luận là cái đầu hay tiệt cước, cát hay hung đều sẽ không ứng nghiệm.

Như vậy là hiểu ý của Nhâm Tiết Thiều nói về XUNG/KHẮC giữa CAN và CHI CÙNG TRỤ.


Thế nào gọi là cái đầu?
Như hỉ mộc vận mà ngộ canh dần, tân mão;
hỉ hỏa vận mà ngộ nhâm ngọ, quý tị;
hỉ thổ vận mà giáp tuất, giáp thìn, ất sửu, ất mùi;
hỉ kim vận mà ngộ bính thân, đinh dậu;
hỉ thủy vận mà ngộ mậu tý, kỷ hợi.


Thế nào gọi là tiệt cước?
Như hỉ mộc vận mà ngộ giáp thân, ất dậu, ất sửu, ất tị;
hỉ hỏa vận mà ngộ bính tý, đinh sửu, bính thân, đinh hợi;
hỉ thổ vận mà ngộ mậu dần, kỷ mão, mậu tý, mậu thân;
hỉ kim vận mà ngộ canh ngọ, tân hợi, canh dần, tân mão, canh tý;
hỉ thủy vận mà ngộ nhâm dần, quý mão, nhâm ngọ, quý mùi, nhâm thìn, quý tị.

Dùng ngũ hành mà giải thích thì theo 2 bảng trên thấy rằng:

1- Hai khí đối kháng nhau, như dụng Mộc bị Kim khắc (Giáp Thân > Giáp bị Thân khắc; Tân Mão > Ất trong Mão bị Tân khắc)
2- Thiên can bị tiết khí bởi địa chi, như Mậu Thân > thổ sinh kim

Dùng 12 cung trường sinh thì nhận thấy thiên can toàn tọa địa chi ở Mộc Dục, và từ Suy đến Dưỡng.

Ngoại lệ: Đinh Dậu (Đinh tọa Dậu trường sinh) và Mậu Dần (Mậu tọa Dần trường sinh). Thế nhưng trong 2 cặp can chi này, bản khí xung khắc là chính yếu: Tân kim trong Dậu khắc Đinh, Giáp trong Dần khắc Mậu. Âm khắc âm, dương khắc dương càng mạnh.


Cái đầu tiệt cước vậy không thể luận hoàn toàn xấu, mà còn có thể được giải cứu:


CÁI ĐẦU nghĩa là dụng hỉ thần ở địa chi, mà vận quan trọng ở chi, nên cát hung trong vận giảm phân nửa; TIỆT CƯỚC nghĩa là dụng hỉ thần ở thiên can không được địa chi phò trợ, tất trong mười năm toàn là xấu.

Thí dụ như đại vận hỉ Mộc ở địa chi mà gặp Canh Dần - Tân Mão là vận hung. Tuy nhiên Canh, Tân tuyệt ở Dần, Mão nên gọi là Kim vô căn, tuy có hung hiểm mười phần, thì cũng giảm còn một nửa.

Nếu trong nguyên cục có Bính Đinh thấu lộ ở thiên can, ngược lại vừa có thể chế Canh Tân, như vậy lại giảm thêm được hung họa. Hoặc ngộ thái tuế Bính Đinh chế ngự Canh Tân, tất không còn hung.

Xét ở địa chi, Dần Mão thí dụ vốn là cát vận, nhưng vì có Canh Tân cái đầu khắc địa chi, tuy gọi là cát vận, nhưng lợi mười phần giảm còn một nửa. Thế nhưng nếu trong tứ trụ có 1 DẬU kim xung Mão, vậy thì chẳng những không cát lợi, mà ngược lại còn rất hung họa.

Chúng ta nên đọc kỹ đoạn trên, vì NTT giảng rõ liên quan đến cung trường sinh, căn gốc và đại vận quan trọng nhất ở địa chi.

Một cặp can chi vì thế mà có thể nhìn ra nhiều yếu tố căn bản (căn, gốc, TSTT, xung, khắc...) mà chúng ta sẽ thấy rằng, cuối cùng đều chỉ có một phương thức giải duy nhất. Đó là nhiều cách vận dụng giải thích 1 vấn đề cát hay hung.

kimcuong
05-06-13, 11:53
Gặp vận mộc là vận tốt, nhưng ngộ Giáp THÂN, Ất DẬU, Mộc tuyệt ở Thân Dậu, gọi là địa chi không phù trợ thiên can, cho nên vận Giáp Ất không được thuận lợi. Nếu trong nguyên cục lại thấu Canh Tân, hoặc gặp lưu niên có thái tuế thiên can là Canh Tân, nhất định là hung họa, cho nên mười năm vận này xấu. Như trong nguyên cục thấu Nhâm Quý, hoặc lưu niên thái tuế thiên can là Nhâm Quý, vậy có thể tiết kim sanh mộc, tất lại bình hòa không xấu hoàn toàn. Vì thế nói rằng vận phùng cát không thấy cát, vận phùng hung không thấy hung, nguyên cớ đều do cái đầu tiệt cước vậy.

Đoạn trên nói rõ vì sao luận đại vận, lưu niên không kém phần quan trọng như luận tứ trụ. Đôi khi thành cách ở tứ trụ rất dễ dàng và tốt đẹp, nhưng nhìn qua đại vận thì chuyển thắng thành bại. Hoặc ngược lại, tứ trụ không thành cách, dụng hỉ thần không có lực, nhưng nhờ đại vận mà chuyển bại thành thắng.

Vấn đề là chúng ta không nên xét đại vận có "phù hợp" với Cách Cục nào hay không, rồi lập thành Cách sao cho đúng đường đi của đại vận. Ngược lại, xét tứ trụ vẫn phải là ưu tiên, sau đó mới xét đại vận. 2 guồng mối vận hành này phải xem là độc lập với nhau.

Thí dụ ở chương 28-Tuế Vận-Tích Thiên Tủy:



Canh Thìn - Đinh Hợi - Canh Thìn - Đinh Sửu

mậu tý/ kỷ sửu/ canh dần/ tân mão/ nhâm thìn/ quý tị

Nhật chủ Canh Thìn, sanh vào tháng Hợi, thiên can có 2 Đinh hỏa thấu lộ, trong Thìn Hợi tàng Giáp Ất, nhật chủ đủ lực dụng hỏa. Sơ vận Mậu Tí, Kỷ Sửu hối hỏa sanh kim, nhật chủ không được toại nguyện như mong muốn. Sang vận Canh Dần, năm Bính Ngọ, Canh tọa Dần gọi là tiệt cước, 2 Đinh hỏa đủ lực chống lại 1 Canh, lại gặp năm Bính Ngọ nên được thuận lợi. Làm việc ở tri huyện trong vận Dần này tiền của tương đối sung túc. Đến vận Tân Mão tiệt cước, Đinh hỏa khắc khứ Tân kim, lên chức làm quan huyện lệnh. Vận Nhâm Thìn, Nhâm thuỷ phùng sanh khố địa, lại gặp năm Nhâm Thân, họa thêm trầm trọng, lưỡng Đinh đều bị lưỡng Nhâm thương khắc nên thất lộc.

Qua thí dụ trên, chúng ta thấy có nhiều điểm luận ngắn gọn, triển khai thêm cho rõ:

1- Nhật chủ đủ lực dụng hỏa: nghĩa là Canh kim sinh tiết lập đông, cần điều hậu, nên ưu tiên dụng Hỏa. May gặp được 2 Đinh, không bị xung phá nên dùng được Quan tinh. Đủ lực là ý nói có Mộc sinh Hỏa.

Nói thêm về căn gốc: có người sẽ nói rằng, Đinh không có gốc nên dụng thần suy nhược không thể dùng. Ở điều kiện chỉ có 1 Đinh lộ và có Quí, hoặc có Nhâm lộ thì kể như thất thoát, nhưng ở đây có 2 Đinh và không bị Quí khắc hoặc bị Nhâm hợp nên vẫn luận là dụng thần hỉ lực. (Tôi luận thêm cung mệnh, nên càng xác nhận Đinh là dụng, vì cung mệnh là có Tị hỏa).

Nếu Đinh điều hậu tốt, Tài tinh Giáp Ất hỗ trợ Đinh hỏa là hỉ thần.

2- Sơ vận Mậu Tí, Kỷ Sửu hối hỏa sanh kim: Tí và Sửu (sau tháng Hợi) đều là mùa đông nên chưa "gặp" dụng hỉ thần. Điều này nói rõ, luận địa chi là chính vì theo tiết khí của tháng mà lập ra đại vận. Luận chi ở vận giống như luận nhật chủ sinh trong tháng vậy.

2 vận này cho là chưa tốt đẹp là ý nói Mộc Hỏa chưa thấy, thực tế phải là vận học hành chăm chỉ và gia thế cũng phải có lực, giáo dục đầy đủ. Đó là Ấn tinh Mậu Kỉ thấu can tiệt cước Tí Sửu.

NTT luận chủ tâm vào Mộc Hỏa để làm nổi bật điều hữu dụng từ nguyên cục chưa gặp được mà không nói nhiều về 2 vận này, nhưng chúng ta cũng nên tự hiểu rằng, không có cơ sở học vấn và gia thế thì không thể ra làm quan huyện được. Thời xưa chú trọng Tài Quan Ấn nên giải mệnh toàn dựa vào cái nhìn thấu đáo về thiên mệnh có làm quan hay không.

Vậy theo tôi, 2 vận đầu cũng không phải là hoàn toàn dở. Vả lại, còn niên thiếu thì chưa thể làm quan được, đó là bình thường. Điểm chính yếu mà chúng ta cần nhấn mạnh đó là Mậu Kỉ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời người này. Thế nên, hiểu ý NTT luận Hỏa làm dụng vì Hỏa lại có thể sinh Thổ Ấn. Từ Ấn tinh hữu lực lại tiết Quan mà thành đạt, nên mới có thuật ngữ "quan ấn tương sinh".

Còn nói "hối hỏa sanh kim" chỉ là ý nói Tí Sửu hỗ trợ nhật chủ Canh, chưa thể dụng Hỏa thực thụ được.

3- Vận Canh Dần, Tân Mão mới là điểm chính muốn nêu rõ sự vận dụng của Cái đầu Tiệt cước. Qua diễn giải rõ ràng trong đoạn văn, chúng ta đã thấy việc phản khắc từ tứ trụ làm dụng thần thất lực đã được phản công trở lại.

Ở tâm tính chúng ta cũng rõ đấy như là 1 động lực mạnh, bắt buộc chúng ta phải dồn sức lực để làm việc. Cụ thể là nói đến việc thi cử, phải xuất đầu lộ diện ở xã hội, tự mình chứng tỏ khả năng..v.v...

Nếu mà 2 vận đầu gặp gia cảnh nghèo nàn thái quá, lại không học hành chăm chỉ, thì người có tứ trụ giống hệt như trên chắc chắn sẽ khác! Điều này chúng ta qua đó lại hiểu sự tương đối của việc luận mệnh thế nào và nhất là nhờ hiểu được điều này mà quan tâm đến sơ vận của con cái chúng ta nhiều hơn. Tức là không nên thấy trung vận tốt đẹp là đủ.

"Căn", "cơ", "gốc" ... là những từ ngầm ý rất phong phú trong khoa mệnh lý vậy.

4. Vận Nhâm Thìn, Nhâm thuỷ phùng sanh khố địa: Vận này cho rằng bị thất lộc (nghĩa là có thể bị bãi quan, bệnh tật hoặc thậm chí chết), vì kị thần Nhâm xuất hiện. Nhâm hợp Đinh là hợp khứ dụng thần. Nhâm tọa Thìn là tọa chính mộ địa (thủy khố). Gặp năm Nhâm Thân là 1 bè kị thần kim thủy vượng thịnh (Nhâm trường sinh ở Thân).

Vậy khi 1 thiên can là kị thần tọa chính khố, lại gặp lưu niên trường sinh thì chúng ta nên cẩn trọng những sự thất lợi có thể xảy ra.