PDA

View Full Version : Vận hạn



lesoi
02-06-12, 11:17
( Bài viết của cô KC ở diễn đàn Nhân Trắc Học)

Bài này chủ yếu tập trung vào phần vận hạn của một người từ cách tính của Tử bình. Moclan trình bày ngắn gọn, mong rằng các bạn nêu ra những câu hỏi thiết thực hơn để cùng học tập.

Những thắc mắc đầu tiên khi nghiên cứu môn này phải là tại sao đại vận tính theo Tháng mà không phải theo Năm hay Ngày và Giờ, tại sao lại chia cho 3, tại sao âm dương vẫn phải giữ thuận nghịch không thay đổi. Đại hạn 10 năm, tiểu vận 1 năm. Tiểu vận khác với lưu niên như thế nào? Còn cung Mệnh, Thai nguyên có ảnh hưởng gì trong đại vận?

Chữ "Vận" theo Hán Việt nghĩa là "xoay vần", thứ gì cứ hết 1 vòng lại trở về nguyên thủy, chỉ có đi tới chứ không thoát ra khỏi vòng gọi là Vận=vận hành. Người ta xem Vận là xem tương lai vì thời gian không đi ngược trở lại mà nhất định phải đi tới rồi mới quay lại nơi phát sinh. Giống như tiết mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, hết Xuân sang Hè, đến Thu rồi Đông. Ngày, giờ cũng thế, có Sáng, Trưa, Chiều, Tối. Vậy nếu chúng ta thụ bẩm khí trời đất mà sinh ra, vậy đại vận tính theo tháng sinh có gì là không đúng?

Tháng trong Tử bình là quan trọng bậc nhất vì từ đó là bài toán căn bản để tính ra được Cách cục, thân vượng hay nhược và vận hạn của con người. Thường đã nghe nói đến "đắc địa", "được mùa sinh".. là qua Tháng. Chỉ cần biết rằng "mùa" là ta có thể hiểu ý nói đến sự cường thịnh hay suy nhược của ngũ hành, tức là nói đến "khí" của năm tháng ngày giờ khi ta sinh ra đời.

Tử bình cũng như các môn thuật số khác đều dựa vào Hà đồ, Lạc Thư. Riêng môn Tử Bình này chịu ảnh hưởng lớn của cách tính nghiêng về Thiên văn học cổ về Lịch, Tiết, Khí, Giờ Khắc mặt trời mọc, lặn trong ngày. Những môn như Lục nhâm đại độn, xem Thiên Cương Hà Khôi tính cát hung của sự việc đều rất chú trọng đến mùa (tháng) trong năm.

Hệ thống Nhị Thập Bát Tú chia khu vực trời thành 4 phương với 28 vì Sao. Mỗi phương có 7 Sao, và Sao thứ 4 là Sao chủ quản định Khí chính của phương đó, cũng có nghĩa là Mùa. Như sao Phòng ở phương Đông mà người ta nhìn thấy được rõ là khi Khí Xuân Phân bắt đầu. Về Thất chính, đấy chính là Mặt trời.

Mỗi phương cũng như mỗi mùa được chia ra thành 3 khu vực gọi là Mạnh, Trọng, Quý. Như mùa Xuân có Mạnh Xuân, Trọng Xuân và Quý Xuân mà ta cũng biết là tháng Dần, tháng Mão, tháng Thìn. Trong "Tứ thời ngũ hành luận" phân tích rất rõ các tháng này, qua đó ta sẽ hiểu khi nào Mộc vượng nhất trong mùa Xuân theo quy luật tự nhiên. Ngay cả trong ngày, giờ, buổi sáng sớm Dần, Mão, Thìn là 3 giờ mặt trời bắt đầu mọc (khác nhau từng khắc tùy theo mùa), lúc này Mộc vẫn còn thấm cái hơi tàn lạnh của sương đêm, nó khác với Mộc ở giữa trưa và Mộc trong giờ mặt trời lặn.

Nếu phân tích rõ như thế, chúng ta sẽ hiểu tại sao phải tăng độ gia giảm của nóng và lạnh cho Mộc theo từng thời khắc như thế. Nếu ai học thêm Tướng Mệnh sẽ rõ thêm điều này, các trẻ sinh trong cùng một ngày ban đầu không trông thấy khác nhau nhiều, nhưng sự tiến triển của chúng chắc chắn là sẽ khác, đó là vì chúng thụ khí như thế nào trong ngày đó.

Trở lại việc tại sao đại vận Tử bình phải chia cho 3 là như thế. Một mùa có 3 giai đoạn là Mạnh=mới, đầu tiên, Trọng=giữa, Quý=cuối. Nếu bạn sinh trúng ngày Lập Xuân, tính đến Kinh Trập là khoảng 29, 30 ngày, chia 3 thì đại vận của bạn tính từ 9, 10 tuổi tùy theo ngày sinh. Lập Xuân thường là tháng Dần, tháng Mạnh Xuân, sau 30 ngày thì đến tiết tới nên bạn được tính trọn tiết cho vận tới. Nhắc lại là "vận" có nghĩa là xoay vần đi tới, nên phải tính hết Lập Xuân, sang Kinh Trập là như thế.

Nếu bạn không phải sinh ngày Lập Xuân mà bất kỳ ngày nào trong vòng tiết khí Lập Xuân-Kinh Trập thì dĩ nhiên tuổi đại vận của bạn bắt đầu ngắn hơn, thí dụ như sinh trước ngày vào Kinh Trập bắt đầu, đại vận sẽ được tính ngay 1 tuổi.

thachmoc
02-06-12, 15:55
Sao lesoi lại nhận định chị Moclan bên Nhân Trắc Học là chị Kimcuong bên diễn đàn kimtubinh.net ta nhỉ? Hì, trước đây Thạch mộc cũng có cóp nhặt được một số bài của chị Moclan, thấy cách luận của chị có nhiều nét tương đồng với chị Kimcuong, vì vậy lúc đầu mình cho các bài viết của hai chị vào một folder, nhưng sau đó lại tách riêng ra, bởi mình nhận thấy các luận điểm của chị Kimcuong sau này có phần sâu sắc và thâm trầm hơn. Bây giờ thì biết rồi nhé.

kimcuong
02-06-12, 17:11
Đầu tiên tôi sinh hoạt bên NTH và cũng là thời kỳ chăm chú vào sách của Thiệu Vĩ Hoa là chính. Sau đó thì ngộ ra những nguyên lý căn bản từ các tài liệu tiếng Hoa nên phải nói là có thay đổi cách luận giải rất nhiều. Lại nhờ cộng thêm với việc học Phong Thủy thì Tử Bình mới "sáng" ra được nhiều lý lẽ. Các bạn có thì giờ nên nghiên cứu lĩnh vực này thêm, dù chỉ là căn bản Hà đồ Lạc Thư.